84,34% số đại biểu đã tán thành Luật việc làm, Luật gồm 7 chương, 62 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015. Các quy định về bảo hiểm thất nghiệp của Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29.6.2006; Chương IX - Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29.6.2006 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.
Ảnh: ĐCSVN
Trước khi các đại biểu ấn nút biểu quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Luật việc làm. Theo đó, có ý kiến đề nghị quy định việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến trên, căn cứ vào hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 Luật việc làm và Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, đối với các vi phạm hình sự sẽ xử lý theo Bộ luật hình sự.
Có ý kiến đề nghị mức chi Bảo hiểm thất nghiệp không nên quy định quá 5 lần mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức (Điều 50) vì không phù hợp với nguyên tắc đóng – hưởng (Điều 58).
Tiếp thu ý kiến trên, Điều 58 đã được chỉnh lý lại. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách bảo hiểm xã hội ngắn hạn, có tính chia sẻ cao, do vậy việc xác định mức tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp là cần thiết, nhằm bảo đảm cân đối quỹ, phù hợp với tính chất trợ cấp thất nghiệp là bù đắp một phần thu nhập để người lao động bị thất nghiệp có được mức sống tối thiểu hoặc trung bình, các nước cũng quy định mức tối đa tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi đóng - hưởng cho người lao động và chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cùng với Luật việc làm, các đại biểu cũng biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Tỉ lệ tán thành là là 85,34%. Luật sửa đổi, bổ sung 32 điều trong Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.6.2014.
Cũng trong sáng 16.11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bầu bổ sung một Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và bốn Phó Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội.