Thời buổi của kỹ thuật số, của internet, khoảng 50% dân số trong xã đã dùng máy vi tính. Các cơ quan công sở thì hỏi nói, chỗ nào cũng từ vài chiếc tới hàng chục máy. Chồng Hạnh là thợ giỏi, lại có uy tín nên chẳng lúc nào hết việc. Thu nhập hàng tháng của anh gấp hai lần lương giáo viên của vợ. Hạnh không còn là Hạnh của ngày cách đây 6 năm nữa. Chị mập ra, trắng hồng, nõn nà và lúc nào cũng tươi như hoa. Bây giờ chị không muốn ngồi lên chiếc xe “cùi bắp” của chồng thường dùng để chở linh kiện máy tính, mà đi xe tay ga, áo váy, giày dép… hàng hiệu. Nhìn vợ, nhiều lúc chồng Hạnh thốt lên: “Ôi! Công chúa của anh!”. Nhỏ con gái 5 tuổi cũng bắt chước ba: “Ô! Công chúa của Bống”.
Trong đợt được mời đi hội thảo thơ ở miền Tây, chị đã gặp mặt một chàng lãng tử. Hạnh bị khuất phục trước tài ăn nói, kiến thức uyên thâm và những bài thơ tình ướt át của chàng. Hạnh chơi vơi bơi trong hạnh phúc ngọt ngào. Về nhà rồi, nhìn thấy chồng mình cặm cụi như con rô- bốt trước những chiếc máy bụi bặm, vô hồn, cả ngày đến khuya không nói được một lời có cánh với vợ, thấy bất mãn. Nhiều lúc chị mải vui công việc chưa về kịp, anh vừa làm hàng cho khách mà vẫn phải lo cơm nước, tắm giặt cho con, dẫn đến lời nặng, tiếng nhẹ với vợ. Chị giận lắm, cảm thấy mình và chồng là hai thái cực khác nhau, không thể hòa hợp, thông cảm.
Những lá thư gửi vào không gian, những bài thơ thương nhớ khát khao viết trên mạng, những tin nhắn đầy lời yêu thương, hẹn hò…Tất cả làm chị chìm đắm trong mê muội. Không dưới một lần, chị tâm sự với người bạn gái thân thiết. “Chắc tao thôi chồng quá mày ơi!”. Chị bạn ngạc nhiên: “Sao thôi chồng? Vợ chồng mầy kinh tế khá giả, cuộc sống ổn định. Chồng mày nhiều đứa muốn không được! Bộ nay chả mèo chuột hả?”. Hạnh chỉ lắc đầu: “Không hợp nhau”. Đắn đo riết, rồi Hạnh cũng đem mối tình “sét đánh” của mình kể với bạn. Chị nói, có cảm giác không thể sống thiếu người ấy nữa rồi. Thời buổi văn minh, cuộc sống hôn nhân không thích hợp thì chia tay là chuyện bình thường mà.
Bạn mắng Hạnh là “khùng”. Tự nhiên kiếm chuyện phá vỡ hạnh phúc gia đình. Sau khi ép Hạnh cho số điện thoại của người kia, chị bạn trực tiếp gọi điện trao đổi với anh ta. Chị chúc mừng hai người có một tình cảm tốt, khen ngợi mối tình thơ ngọt ngào, thi vị. Rồi chị hỏi thẳng, liệu hai người có ý định tiến tới cuộc sống chồng vợ không? Anh bạn kia nói tỉnh queo: “Chúng tôi đều đã có gia đình. Cuộc tình thơ này chỉ như cơn say nắng thôi mà. Vợ tôi làm nghề buôn bán, cô ấy rất đẹp và giỏi giang. Tôi có điên đâu mà rước một nhà thơ về nhà!”. Qua chiếc loa ngoài điện thoại di động, Hạnh nghe hết cả, mặt đỏ bừng rồi tái dại, rồi lại đỏ bừng. Chị đã quá cả tin và mơ mộng.
Thời gian này, lại thấy Hạnh đi muộn về sớm, chăm chút chuyện gia đình, lo lắng cho chồng con từng bữa ăn giấc ngủ. Một đêm khuya, thấy chồng còn hí hoáy sửa máy cho kịp ngày mai trả khách, chị nhẹ nhàng tới đằng sau, ôm đầu chồng ghì vào ngực mình: “Nghỉ đi chồng cưng! Kẻo bịnh là khổ em đó. Kiếm tiền quan trọng thật, nhưng có cái khác còn quan trọng hơn đó anh!”. Đã mấy năm nay mới được nghe lại lời nói thủ thỉ yêu thương của vợ, anh chồng bất chợt làm rớt chiếc vít, choáng váng như bị say nắng. Một cơn say nắng dịu dàng.