Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức ba chung vốn tồn tại song hành hàng chục năm nay đã được chính thức hợp nhất từ năm 2015 thành một kỳ thi THPT quốc gia. Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia phải đạt được 2 mục đích: làm cơ sở công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Hơn 1/3 tổng số thí sinh chọn môn địa lý
Trong những năm từ 2013 trở về trước, thí sinh phải thi tốt nghiệp 6 môn, trong đó 3 môn đã được quy định “cứng” là toán, văn, ngoại ngữ; 3 môn còn lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo “chọn” (chứ không phải do học sinh chọn) và được công bố vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 hằng năm.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Trong năm 2014, ngoài việc giảm số môn thi tốt nghiệp THPT xuống 4 (thay vì 6) và chỉ có 2 môn bắt buộc là toán và văn, lần đầu tiên, thí sinh còn được tự quyết định chọn 2 môn còn lại để xét tốt nghiệp THPT. Các số liệu khảo thí cho thấy mặc dù học sinh đăng ký chọn môn thi tốt nghiệp THPT sau (tháng 4-2014) nhưng xu hướng chọn khá phù hợp với khối thi vào các trường ĐH, CĐ mà các em đã đăng ký trước đó vào tháng 3-2014.
Với đặc điểm là khối thi duy nhất không có môn trắc nghiệm và được xem là các môn nặng về “học bài”, rất ít thí sinh ở các thành phố lớn (theo quy định tuyển sinh, các thành phố trực thuộc trung ương được xếp thành khu vực 3) chọn thi ĐH khối C. Trong khi đó, tỉ lệ học sinh chọn thi ĐH khối C ở các địa phương thuộc khu vực 1 và khu vực 2 cao hơn hẳn.
Tỉ lệ thí sinh thuộc khu vực 3 chọn thi ĐH khối C chỉ vào khoảng hơn 2%, trong khi ở khu vực 1 lên đến khoảng 10%. Thế nhưng, tỉ lệ chọn môn địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 lại khá cao, với hơn 1/3 tổng số học sinh. Lý giải về sự lựa chọn này, nhiều học sinh cho rằng việc được phép sử dụng Atlat địa lý trong phòng thi khiến các em tự tin hơn khi làm bài thi.
Ngoại ngữ phổ biến trong các tổ hợp xét tuyển
Trong khi đó, với các khối thi có môn ngoại ngữ thì tình hình diễn ra ngược lại. Nếu như ở các thành phố lớn, có đến 26%-30% thí sinh của khu vực chọn thi khối D thì ở khu vực 1, chỉ khoảng 11%-13% thí sinh chọn khối thi có môn ngoại ngữ này.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng trong những năm trước đây, điểm các môn thi tốt nghiệp THPT không có liên quan hay tác động gì đến điểm các môn thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Còn trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, chính việc chọn thi môn nào và điểm thi các môn này là bao nhiêu sẽ tác động trực tiếp đến kết quả xét tuyển (đậu hoặc rớt) của thí sinh.
Đặc biệt, bên cạnh các môn bắt buộc khác là toán và văn, ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng là môn rất phổ biến trong các tổ hợp môn dùng để xét tuyển thí sinh vào các ngành tuyển sinh. Hiện có đến 90% tổng số ngành tuyển sinh (97/108 ngành) của các trường thành viên ĐHQG TP HCM có môn tiếng Anh là 1 trong 3 môn xét tuyển.
Vì vậy, khi đăng ký chọn môn thi trong hồ sơ dự thi THPT quốc gia, thí sinh cần cân nhắc thận trọng, sao cho không chỉ để xét tốt nghiệp THPT mà còn phải đạt được mức điểm cao nhất có thể để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ.
Chọn môn thi quyết định kết quả xét tuyển