Vi khuẩn tên gọi Burkholderia pseudomallei, đầu tiên được phát hiện tại Đông Nam Á và Bắc Úc. Chúng có thể lan truyền sang người và động vật qua sự tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm khuẩn.
Khỉ nâu là loại dễ nhiễm khuẩn Burkholderia pseudomallei. Ảnh: AP
Chính quyền khẳng định rằng việc vi khuẩn thoát ra ngoài không gây nguy cơ cho cộng đồng nhưng Burkholderia pseudomallei vốn bị xem là vi khuẩn nguy hiểm, có thể gây tử vong và bị xếp vào loại có khả năng là tác nhân khủng bố sinh học.
Vi khuẩn thoát ra từ Trung tâm Nghiên cứu Động vật Linh trưởng Quốc gia Tulane, có thể vào tháng 11-2014 hoặc trước đó lúc Burkholderia pseudomallei đang được sử dụng để bào chế vắc-xin.
Chính quyền cho rằng tác nhân gây bệnh chưa được phát hiện bên ngoài trung tâm này nhưng đã có 4 khỉ nâu được nhốt bên ngoài trung tâm nhiễm khuẩn và 2 con chết. Hơn nữa, một nữ thanh tra viên liên bang bị nhiễm khuẩn sau khi đến cơ sở này. Hiện chưa rõ người này bị phơi nhiễm tại đây hay trong quá trình công du nước ngoài trước đó.
Thông báo của cơ sở nghiên cứu có đoạn: “Diễn biến tiếp tục cho thấy không có mối đe dọa tới cộng đồng. Không có trường hợp người và động vật linh trưởng bị bệnh từ khả năng phơi nhiễm Burkholderia pseudomallei”. Xét nghiệm trên 39 mẫu đất và 13 mẫu nước tại khuôn viên cơ sở cũng không thấy vi khuẩn.
Tuy nhiên, chuyên gia về an toàn sinh học Richard Ebright tại ĐH Rutgers thuộc bang New Jersey khuyến cáo: “Sự kiện họ không xác định được vi khuẩn thoát ra bằng cách nào là điều rất đáng lo ngại”