Với ông, thơ được phổ biến rộng rãi đến độ lưu truyền trong dân gian như ca dao tục ngữ cũng là một thước đo đánh giá sự thành công của người nghệ sĩ.
Nay Bảo Sinh quay sang viết văn nhiều người ngạc nhiên. Tác phẩm Bát Phố của ông thậm chí đã được tái bản và bổ sung lần 2 hồi tháng 10/2014 bằng một tuyển tập dày gấp đôi lần xuất bản đầu tiên với bộn bề Hà Nội. Tôi đoan chắc, cái tên Bát Phố cũng sẽ là một thuật ngữ xa lạ với nhiều người mà cho đến khi tác phẩm Bát phố của Bảo Sinh ra đời thì từ “cổ” này mới được phục sinh. Một nhan đề cũng rất Hà Nội bởi theo Bảo Sinh thì chỉ có người Hà Nội mới đi bát phố. Ông cắt nghĩa trong chính tác phẩm danh từ “bát phố” một cách rất dễ hiểu: “Hiểu theo kiểu Hán là ta ra Phố bát ngát cho lòng thành thơi. Nôm na ta hiểu khi đi chơi phố mà vo sở cầu thì gọi là bát phố”. Đã rất nhiều người cảm thấy xa lạ với cum từ này mà ngay cả giới trẻ Hà Nội chưa chắc đã hiểu được thú chơi tao nhã đi dạo phố vô sở cầu của người Hà Nội xưa.
Nhà thơ dân gian Bảo Sinh |
Viết về Hà Nội không thiếu tác phẩm hay, kinh điển là Miếng Ngon Hà Nội, Thương Nhớ 12 của Vũ Bằng, Hà Nội 36 Phố phường của Thạch Lam hay nhữn trang văn trong Vang Bóng một thời của Nguyễn Tuân. Sau này là những tác phẩm tùy bút của Nguyễn Việt Hà như Đàn bà uống rượu, con trai phố cổ. Như thế đã đủ Hà Nội chưa? Mỗi người một văn phong một cái nhìn vầ một tâm thế khác nhau khi viết về Hà Nội. Vậy Bát Phố khác gì?
Bát Phố - người Hà Nội viết về Hà Nội. Trong tác phẩm, Bảo Sinh có đề cập đến chi tiết Bát phố là người tập đi quanh bờ Hồ, nó cho thấy Bát Phố sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, thậm chí nhiều đời ông cha sống tại mảnh đất Thăng Long này. Bát Phố viết về Hà Nội từ trong viết ra, tác giả không tả chi tiết về món ăn hay cảnh sắc mà chỉ viết về cái tâm mình trước Hà Nội, những câu chuyện không tìm ở đâu thấy mà độc giả có khi đọc xong sẽ nhiều phần nghi ngờ vì không thể tưởng tượng có một Hà Nội như thế. Đó là một Hà Nội nhà quê cũng ao bèo lấm tấm, một Hà Nội ngai ngái mùi rau canh ma khu Linh Đàm, Hà Nội của những năm bao cấp tem phiếu,…Những cái chưa từng được viết ở những tác phẩm về Hà Nội khác. Bảo Sinh đã cho thấy một Hà Nội đa chiều cả tốt lẫn xấu, có cả những cái thơ và những cái mà biết được rồi người ta thấy giảm thơ đôi phần. Đó là khi Bảo Sinh cho độc giả của mình biết rằng lí do trồng cây hoa sữa đơn giản chỉ là muốn át mùi của những xe lấy phân đi dọc phố phường thời kì Hà Nội có hố xí đổ thùng. Đặc biệt hơn, Hà Nội đa chiều trong chính cách nhìn của những người Hà Nội về nó. Hà Nội cũng có những yếu điểm của mình mà những người lớn lên từ Hà Nội lập nghiệp ở nơi khác để rồi không bao giờ muốn gắn mình với Hà Nội nữa bởi nhưng lễ nghi, phương thức trong giao tiếp vốn từng là cái đẹp nhưng cũng bộc lộ những mặt tiêu cực của nó (Bát phố trong dáng đứng Bến Tre)
Những câu Chuyện về Bát phố xuyên suốt từ những năm 50 cho đến tận ngày nay. Ở đó, có Bát phố thời Bao Cấp, Bát Phố trong bộ đội, Bát phố thời mở cửa,…Hiếm có tác phẩm nào về Hà Nội bao quát được cái nhìn có tính lịch đại như vậy. Người đọc được tiếp cận với vô số những chi tiết độc đáo về lịch sử và con người Hà Nội ở nhiều khía cạnh khác nhau: của người vẫn gắn bó cả đời với nơi đây, của người đã bỏ Hà Nội mà đi xa xứ, của người nhớ Hà Nội, của cả người sợ Hà Nội mà không muốn về.
Tập tản văn Bát Phố |
Điều đặc biệt là trong tác phẩm của mình, Bảo Sinh đặc biệt coi trọng các giải quyết các vấn đề của người Hà Nội trong gia đình, ngoài xã hội. Nhiều lần tiếp kiến nhà văn Bảo Sinh, mỗi lần ông lại nhớ ra được những câu chuyện hay về Hà Nôi, ông luôn sẵn giấy bút trong túi áo để ghi chú lại ngay về nhà còn viết. Cứ thế, Bát Phố được xuất bản lần đầu nay lại dày hơn gấp đôi. Chính kho tư liệu về Hà Nội trong chính ông cũng chưa được khai thác hết. Ông bảo rằng sẽ có Bát phố quyển 3, quyển 4 nữa vì ông còn nhiều điều để viết về Hà Nội lắm. Đọc Bát Phố rồi thì chúng ta hẳn sẽ chẳng ngạc nhiên về điều này.
Cũng như những tác phẩm thơ của mình, Bát Phố của Bảo Sinh là văn chương của một thứ ngôn ngữ giản dị, tự nhiên không trau chuốt. Cảm giác ông viết hồn nhiên như người ta thở. Đối với Bát phố, cứ để câu chuyện Hà Nội hấp dẫn độc giả, người đọc có thể cười nhưng là cười câu chuyện được kể chứ không cười vì câu chữ cố làm điệu theo kiểu trào phúng. Dù bạn đã đọc bao nhiêu những tư liệu lịch sử hay tác phẩm văn học về Hà Nội trong Bát Phố vẫn là mới mẻ và gây nhiều ngạc nhiên.
Có lẽ Bảo Sinh cũng là người duy nhất bán sách tại gia. Nhiều người đến tận nhà ông để có được cuốn sách được truyền tai nhau từ những người yêu Hà Nội. Cả 1000 cuốn được xuất bản đã hết trong vòng một thời gian ngắn và phải tái bản ngay sau đó. Ông cũng hào hứng kể rằng thế mà cũng có nơi họ có sách lậu đề bán rồi mà có tiêu thụ được người ta mới in lậu để bán chứ.
Nhạc Phú Quang, hồn Bát Phố là đêm nhạc ra mắt sách của nhà văn Bảo Sinh. Ra mắt sách theo đúng cách Bát Phố chứ không rầm rộ, không mời truyền thông, báo chí hay những nhà phê bình viết PR cho tác phẩm của mình. Lý do mà nhạc sĩ Phú Quang tham gia đêm nhạc là ông cũng cảm thấy tâm hồn mình đồng điệu với linh hồn Bát Phố. Ở đó không có người giới thiệu cuốn sách chỉ có âm nhạc về Hà Nội và hồn Bát phố phảng phất trên gương mặt của từng người đến xem.