Dân Việt

Luật Đất đai: Không thể “cầm đèn chạy trước ô tô”

21/06/2013 19:00 GMT+7
Dân Việt - Ở ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5 hôm nay, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong kỳ họp lần này mà để tới kỳ sau.

Trao đổi với Dân Việt hôm nay (21.6), nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc Quốc hội nhất trí chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, là sáng suốt. Quốc hội có thể thông qua dự thảo luật này ở kỳ họp tới, sau khi chính thức thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

img
 Việc Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), là sáng suốt.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Không nên vội vàng ra luật mới.

Thưa ông, dự án Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII đưa ra tại 2 kỳ họp liên tiếp nhưng vẫn chưa thông qua được. Theo ông, lý do chính là vì sao?

- Nếu tính từ năm 1993, chúng ta đã có lần sửa đổi lớn đối với Luật Đất đai vào năm 2003 và lần này đặt ra vấn đề sửa đổi thực sự trên cơ sở đặt ra từ những bức bách của đời sống. Rõ ràng là, Luật Đất đai đi vào đời sống bên cạnh mặt tích cực của nó như khả năng tích tụ đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng… thì Luật Đất đai ngày càng bộc lộ rõ những mặt hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất về mặt lý thuyết là sở hữu toàn dân chưa được rõ ràng. Năm 2003, lúc đó tôi mới vào Quốc hội và lần đầu tiên được thảo luận về việc này, tôi đã đưa ra một nhận thức: Sở hữu toàn dân vẫn chưa rõ ràng, trong khi đó, quyền sử dụng đất thì ngày càng trở nên thực quyền, nhất là chúng ta có thêm những lần sửa đổi tiếp theo nữa để tăng quyền năng đó.

Chúng tôi cũng nhận thấy, quá trình sửa đổi rất chậm. Chúng ta chỉ nhanh trong việc tăng thêm quyền sử dụng, mà không cải tiến, giải quyết được mối quan hệ giữa người lấy đất và người bị lấy đất. Cũng có thể khái quát rằng, trong suốt 20 năm đổi mới vừa qua với tác động của Luật Đất đai, không có ai không giàu lên nhờ đất đai. Và có một số đông rất lớn, những vấn đề vấn nạn của người mất đất cũng là do tác động của Luật Đất đai.

Việc Quốc hội quyết định chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này theo ông có ý nghĩa như thế nào?

img
Đại biểu Dương Trung Quốc

- Theo tôi, việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết. Đến thời điểm này, ai cũng mong muốn sửa đổi cho sớm, nhất là khi năm 2013 này chúng ta kết thúc thời hạn giao đất từ năm 1993. Để chuẩn bị sửa đổi luật này, chúng ta cũng đã tiến hành khá nhiều công việc. 8 triệu người đã tham gia thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rồi biết bao đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về vấn đề này.

Nhưng với những vấn đề được đưa vào pháp luật (như dự thảo Luật Đất đai sửa đổi), tôi vẫn cảm thấy không yên tâm. Có lẽ, đây cũng là tâm lý chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi quyết định chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này.

Năm 2013 này cũng là thời điểm kết thúc thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo Luật Đất đai năm 1993. Việc chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tác động ra sao đến tâm lý của người dân, thưa ông?

- Việc xử lý vấn đề hết thời hạn giao đất, tôi cho rằng rất đơn giản. Bởi trong luật đã ghi rõ, nếu hết thời hạn, thì chúng ta tiếp tục kéo dài. Còn về tâm lý xã hội, chúng ta rất mong nhanh chóng có một bộ luật hoàn thiện về vấn đề đất đai.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, không nên vì thế mà vội vàng ra một luật mới. Luật mới không giải quyết được những cái cũ, thì phải 10 năm nữa mới sửa được luật. Dù rất nhiều đại biểu tán thành việc sửa luật ngay, nhưng tôi cho rằng, việc UBTVQH quyết định chậm lại là điều sáng suốt. Quan điểm của tôi cũng đồng tình với việc này. Tôi cũng được biết, không ít các tổ chức phi Chính phủ cũng đã đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở kỳ họp này.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM): Thông qua Hiến pháp rồi mới đến Luật Đất đai

Quan điểm của tôi là chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này. Bởi vì vấn đề phân cấp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được làm rõ. Đây là những vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Khi chưa xác định được mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thì biết giao cho ai xử lý những vấn đề liên quan tới đất đai nêu trên. Không lẽ, khi thông qua xong (dự thảo Luật Đất đai), tới đây Hiến pháp sửa đổi, chúng ta lại sửa luật”, ĐB Lịch chia sẻ quan điểm.

Ông cũng nhấn mạnh: “Vấn đề là chức năng và sự phân cấp của chính quyền trong quản lý đất đai. Chức năng này liên quan đến vấn đề phân cấp mà Hiến pháp đang làm, đang bàn. Quan điểm của tôi là chính quyền địa phương chỉ nên có 2 cấp và dứt khoát chỉ nên 2 cấp. Việc chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai có nhiều lý do, nhưng theo tôi, chúng ta để lại chờ sửa đổi Hiến pháp là cần thiết, để đối chiếu luôn”.

img
Đại biểu Trần Du Lịch

Việc hoãn thông qua Luật Đất đai liệu có gây xáo trộn đến việc sử dụng đất của người dân khi mà thời hạn giao đất đã kết thúc, thưa ông?

- Quan điểm của tôi là làm một lần, quyết định đúng, dứt khoát để đến kỳ thứ 6 thông qua. Bởi Luật Đất đai có nhiều vấn đề liên quan đến Hiến pháp mà chúng ta đang thảo luận, bàn bạc. Thế nên không việc gì phải gấp gáp thông qua dự thảo Luật Đất đai. Về thời hạn giao đất, Quốc ra Nghị quyết kéo dài thời hạn là xử lý được. Luật Đất đai phải giải quyết được tất cả những vấn đề khúc mắc liên quan đến Hiến pháp để tạo sự đồng bộ. Tôi cho rằng, Quốc hội quyết định chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), là cực kỳ sáng suốt.

Vấn đề lớn nhất mà các đại biểu còn có ý kiến khác nhau là thu hồi đất. Theo ông, đây có phải là lý do chính khiến Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

Đối với từng loại đất, vấn đề thu hồi có giống nhau không hay có loại đất phải thu hồi, có loại đất phải trưng mua. Đó là chuyện cần phải làm rõ chứ không phải vấn đề sở hữu.

Bên cạnh đó là vấn đề quy hoạch, có bao nhiêu cấp làm quy hoạch, bao nhiêu cấp làm kế hoạch, quy hoạch nông thôn có khác đô thị không?

Nếu như trong Hiến pháp chế định chính quyền nông thôn, đô thị khác nhau, thì vấn đề đất đai phải xử lý ra sao? Đó là những vấn đề chúng ta còn chưa rõ. Nếu chúng ta thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở kỳ họp này, mai kia Hiến pháp quy định khác, không lẽ lại sửa luật?

Vậy Quốc hội có yêu cầu gì với Ban soạn thảo để dự thảo luật hoàn thiện hơn, thưa ông?

- Làm sao phải đối chiếu được những vấn đề của Luật Đất đai có liên quan đến Hiến pháp. Để khi Hiến pháp được thông qua, thì Luật Đất đai phải đi theo hệ thống của Hiến pháp. Nên nhớ Hiến pháp là nền tảng, là đạo luật gốc. Không thể "cầm đèn chạy trước ô tô".

Trong Luật Đất đai hiện hành có rất nhiều "luật con". Vậy tới đây, trong luật mới, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng phải bớt "luật con". Riêng Luật Đất đai hiện nay, có tới 32 điều, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ là quá nhiều. Phải bớt và cụ thể hóa. Cái gì cụ thể được là cụ thể, không để nhiều "luật con" quá.

Tới kỳ họp thứ 6 vào đầu năm 2014 tới, liệu Quốc hội đã có thể thông qua Luật Đất đai sửa đổi?

- Tôi nghĩ, tới kỳ họp thứ 6 này khi thông qua Hiến pháp, Quốc hội cũng thông qua Luật Đất đai luôn trong một kỳ họp và Quốc hội sẽ đối chiếu các điều khoản của Luật Đất đai để phù hợp với Hiến pháp .

Đại biểu Trương Văn Vở - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Chưa làm rõ được cơ chế thu hồi đất thì chưa nên thông qua!

"Phải nói rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chưa đáp ứng được vấn đề xử lý những phát sinh hiện nay, nhất là những tồn tại về cơ chế thu hồi đất và bồi thường thu hồi đất. Yêu cầu lớn nhất đặt ra với luật này, là phải giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của công dân, mà cốt lõi là cơ chế thu hồi đất và bồi thường tái định cư. Dự án Luật Đất đai lần này chưa rõ vấn đề đó và chưa xử lý được. Vấn đề thứ 2 là liên quan đến hiến định trong Hiến pháp. Tôi nghĩ nếu sửa lần này, đến kỳ sau Quốc hội thông qua Hiến pháp sẽ rất khó. Cho nên, cần để Luật Đất đai thông qua sau Hiến pháp", ĐB Trương Văn Vở bày tỏ.

img
Đại biểu Trương Văn Vở

ĐB Vở cũng khẳng định: “Tôi cũng như các đại biểu khác và cử tri cả nước mong chờ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đáp ứng và xử lý được những vướng mắc, mà điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là vấn đề thu hồi đất và đền bù tái định cư. Tất nhiên, cơ quan soạn thảo cũng đã chuẩn bị các văn bản dưới Luật, nhưng cũng chưa được cụ thể, nhất quán, nên rất là khó”.

Trong Luật Đất đai hiện hành, dường như chúng ta trao quá nhiều quyền cho chính quyền địa phương. Vậy dự án luật mới cần sửa đổi điều gì để hạn chế quyền này?

- Như tôi nói ban đầu, quan trọng là cơ chế, rồi trình tự thủ tục trong thu hồi đất và bồi thường tái định cư. Tôi nghĩ, nếu giao cho địa phương thì cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp.

Tôi nghĩ, sở dĩ còn nhiều ý kiến khác nhau về cơ chế bồi thường tái định cư, thu hồi đất mà dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa giải quyết được, thì sắp tới các đại biểu cũng như cử tri rất mong chờ điều này. Tôi cũng cho rằng, riêng về thu hồi đất gắn đến việc phải di chuyển chỗ ở của dân, thì phương án tái định cư phải xong trước, rồi mới ra quyết định thu hồi. Khu hồi tái định cư phải hoàn chỉnh cả về hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, chứ không phải chỉ là cái nhà không.

Xin trân trọng cám ơn các đại biểu!