Chiều nay, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo thông báo về kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII. Đông đảo phóng viên trong và ngoài nước đã tới tham dự.
"Tôi thấy rằng mình vẫn còn những hạn chế vì tôi vẫn có những phiếu tín nhiệm thấp. Tôi cũng không thỏa mãn mãn với kết quả này, vẫn thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa”-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH), Nguyễn Hạnh Phúc. |
Mở đầu buổi họp báo, TS Nguyễn Sỹ Dũng – Phó Chủ nhiệm VPQH tổng kết sơ lược: Kỳ họp này chia làm 3 mảng chính và vì là kỳ họp giữa năm nên hoạt động lập pháp vẫn chiếm nhiều thời gian nhất với 27 ngày làm việc. Đặc biệt lần này, Quốc hội đã tổ chức 44 phiên họp toàn thể và 10 phiên thảo luận tại tổ. Đây có thể coi là một kỷ lục trong các kỳ họp của Quốc hội.
Còn Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc thì khẳng định: Kỳ họp thứ 5 với việc xem xét, thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đã góp phần khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị…
Trả lời khá nhiều câu hỏi báo giới xung quanh hoạt động lần đầu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vừa qua, cụ thể là cần phải rút ra những kinh nghiệm gì, có nên chỉ LPTN với các chức danh khối hành pháp, có nên rút bớt mức “tín nhiệm” từ 3 xuống còn 2 mức là “tín nhiệm” và “bất tín nhiệm”, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết:
Hoạt động LPTN vừa qua là bước đầu để đánh giá mức độ tín nhiệm của các chức danh, để họ biết được hiệu quả công việc của mình đến đâu. Kết quả LPTN cũng đã phản ánh đúng thực trạng, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước khi vẫn còn tồn tại “mặt nọ mặt kia”, vì thế các chức danh khối hành pháp có tín nhiệm thấp hơn khối lập pháp là điều dễ hiểu.
“Đây là thước đo đánh giá khá chính xác hoạt động của Chính phủ trên các lĩnh vực thiết yếu của đời sống như y tế, ngân hàng, giáo dục….Kết quả này giúp các vị thuộc diện LPTN sẽ nỗ lực, cố gắng hơn nữa để cải thiện công tác, nhiệm vụ của mình”, ông Phúc phân tích.
Nhận định về kết quả LPTN của bản thân, Chủ nhiệm VPQH cho rằng: “Tôi thấy rằng mình vẫn còn những hạn chế vì tôi vẫn còn có những phiếu “tín nhiệm thấp”. Tôi cũng không thỏa mãn với kết quả này, vẫn thấy mình phải cố gắng hơn nữa”.
Về việc rút kinh nghiệm cho hoạt động LPTN những lần tới như khoanh hẹp đối tượng LPTN, bỏ bớt mức tín nhiệm, Chủ nhiệm Phúc cho rằng, phải chờ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới quyết định được những vấn đề này.
Về câu hỏi đợt lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 từ nay tới 30.9 có gì khác so với đợt góp ý trước và nhân dân phải góp ý và bản dự thảo nào, Chủ nhiệm VPQH khẳng định: Người dân vẫn có thể góp ý bình thường như đợt đầu, vẫn có thể có cả ý kiến đồng thuận và trái chiều. Ủy ban soạn thảo sẵn sàng tiếp thu. Còn về bản dự thảo để góp ý, vẫn sử dụng bản cũ đã phát cho từng hộ dân.
Tuy nhiên, với những nội dung đã có chỉnh lý, tiếp thu, người dân có thể theo dõi qua ti vi, đài báo để cập nhập thông tin những nội dung đã chỉnh sửa này chứ Ban soạn thảo không phát lại cho các hộ dân một bộ dự thảo Hiến pháp mới.
Về việc Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong kỳ họp này, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc giải thích thêm: Đây là một luật hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của đất nước và đời sống nhân dân nên khi ban hành rất cần có những văn bản hướng dẫn đi kèm.
Nếu thông qua luật ngay trong kỳ họp này, Ban soạn thảo chưa thể hoàn thành ngay các văn bản đi kèm để hướng dẫn thực hiện luật nên Quốc hội nhất trí lùi lại kỳ sau để Ban soạn thảo có thêm thời gian hoàn thiện.
Hải Phong