Dân Việt

Người phụ nữ bí ẩn của những tuyệt phẩm lãng mạn nổi tiếng

Phan Lê 04/03/2015 08:39 GMT+7
Jane Austen bước vào nền văn học Anh với tư cách là người đã thổi một luồng gió mới vào văn học cùng ngôn ngữ tươi sáng, tự nhiên và bình dị. Những độc giả đã đọc qua tác phẩm của bà hẳn ít nhiều tò mò về người phụ nữ này – liệu bà có mạnh mẽ như những nhân vật của mình, hay mối tình sâu đậm nào đã là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện tình của bà?
Jane Austen sinh ra trong thời kì nền văn học lãng mạn Anh tràn ngập những chuyện tình xa hoa, mơ mộng hoặc những tiểu thuyết rùng rợn vô lí. Trái ngược với dòng chảy này, Jane Austen đã lấp đầy những câu chuyện của bà với những con người bình dị, những khung cảnh bình yên nơi thôn xóm quê hương.
img
Chân dung Jane Austen

1.  Người phụ nữ của tình yêu mạnh mẽ

Jane Austen không có một cuộc đời may mắn như những nhân vật nữ của bà - bà không được sống trọn đời bên tình yêu của mình.

Sinh ngày 16 tháng 12 năm 1775, bà là người con gái thứ hai trong một gia đình 8 anh chị em. Chỉ có người chị Cassandra vô cùng gần gũi, thấu hiểu bà. Sự thân thiết của hai chị em đã nhiều lần được bà khắc họa lại trong những tác phẩm của mình – qua hai chị em Elizabeth và Jane của Kiêu hãnh và Định kiến, Elinor và Marianne của Lý trí và Tình cảm. Thậm chí, sự gần gũi và ảnh hưởng lẫn nhau giữa những cặp chị em còn được khám phá qua những nhân vật Caroline và Charles Bingley, Fanny và Margareth Dashwood.

img

5 chị em nhà Bennet

Sự thân thiết giữa hai chị em kéo dài đến khi Jane Austen qua đời. Hầu như tất cả thư từ cá nhân của bà đều được người chị Cassandra lưu giữ, và để bảo vệ em mình, Cassandra đã tiêu hủy gần hết những thư tín này, tránh cho cuộc đời của Jane bị người đời sau mổ xẻ, soi mói. Một phần lớn cuộc đời của Jane Austen bị che phủ trong bức màn bí ẩn cũng chính vì lí do này. Nhưng có lẽ điều này là tốt hơn cả, để những nghệ sĩ đi sau có thể thoải mái tưởng tượng và hình dung ra con người của Jane.

Tuy vậy, trong số những thư tín còn sót lại, Cassandra đã để lại những bức thư quan trọng nhất đề cập đến một tình yêu duy nhất trong cả đời Jane Austen: cuộc tình với Tom Lefroy. Duyên số đã run rủi cho hai con người ở độ tuổi đôi mươi, thông minh, sáng lạn, đầy nhiệt huyết và sức sống gặp nhau.

Tom Lefroy lúc đó vừa tốt nghiệp đại học, đang chuẩn bị chuyển đến London để tu nghiệp trước khi chính thức theo đuổi nghề luật. Kì nghỉ của anh tại vùng Stevenson – quê hương của Jane Austen – lại trở thành một chuyện tình nồng thắm. Không thể phủ nhận rằng, Jane Austen được nuôi dạy trong một môi trường cởi mở, cùng với việc có một người cha rất khuyến khích hai chị em bà đi học – điều rất hiếm lúc bấy giờ, cũng như ủng hộ bà đọc sách, sáng tạo. Những điều này đã tạo nên một cô gái Jane lém lỉnh, thông minh trong các cuộc nói chuyện, cùng với vẻ đẹp và sức trẻ hẳn đã lôi cuốn chàng trai thành thị.

img
Anne Hathaway hóa thân thành Jane Austen trong phim Becoming Jane (2007)

Trong một đoạn thư Jane Austen viết cho Cassandra, bà đã mô tả thời gian hai người bên nhau: “Em rất ngại phải nói với chị về việc em và người bạn Ai-len đã cư xử ra sao. Chị hãy tưởng tượng những gì phóng đãng và gây kinh ngạc nhất trong những lúc chúng em nhảy với nhau, hay cùng ngồi xuống nói chuyện”. Có lẽ, chính những buổi vũ hội của tầng lớp trung lưu nông thôn để lại những kỉ niệm đặc biệt trong tâm trí của Jane Austen. Trong những tác phẩm sau này của bà, những buổi vũ hội luôn là tâm điểm của sự chú ý, ẩn chứa những biến chuyển bất ngờ, là cao trào của câu chuyện.

Tiếc thay, tình yêu của hai người gặp phải cản trở lớn: gia đình của Tom Lefroy không đồng tình với anh. Gia đình Jane Austen là một gia đình nghèo, của hồi môn không đáng kể. Trong khi đó, Tom Lefroy cũng xuất thân không giàu có gì, và phải dựa vào một ông chú ở xa để có tiền đi học. Vậy là chỉ sau 2 tháng ngắn ngủi bên nhau, Jane Austen và Tom Lefroy buộc phải xa cách và mãi mãi không bao giờ được gặp lại nhau.

img
Vai Tom Lefroy được nam diễn viên James McAvoy thủ vai

Là một con người thực tế, hẳn Jane Austen cũng hiểu rằng một tình yêu nếu chỉ có tình lý tưởng mà không có vật chất trợ giúp sẽ không bao giờ kéo dài được lâu. Vì vậy, bà và Lefroy đã không bỏ trốn cùng nhau, như rất nhiều cặp đôi trẻ khác đã làm lúc bấy giờ. Liệu nếu Lefroy là một con người giàu có hơn, độc lập trên đôi chân của mình, hẳn cuộc tình của hai người đã kết thúc có hậu? Có lẽ vì vậy mà bà luôn viết cho các nhân vật nam của mình là người thừa kế của những gia sản đáng giá, mạnh mẽ, không chịu sự chi phối của gia đình và tiền bạc. Nhờ có vậy, họ có được sự tự do quý giá là được tự chọn cho mình người để yêu, để được sống bên nhau trọn đời.

Điều ngăn trở duy nhất của những người đàn ông như vậy lại chính là bản thân họ: liệu họ có vượt qua được định kiến của bản thân để nhìn thấy giá trị thật sự của người con gái họ yêu – dù cô xuất phát từ một tầng lớp kém hơn, hay vượt qua được tính nhút nhát và mềm yếu để đoạt được tình yêu của cô gái hay không (Lý trí và Tình cảm). Đây cũng chính là một nét cuốn hút của các tác phẩm của Jane Austen. Bà không chỉ khắc họa chân thực cuộc hành trình của những nhân vật nữ, sự đấu tranh nội tâm của những nhân vật nam cũng rất thực tế và gây tò mò, khiến người đọc theo dõi.

Tuy vậy, Tom Lefroy không phải là người đàn ông duy nhất trong cuộc đời của Jane Austen. Trong các bút tích còn để lại, người bạn thời thơ ấu Harris Bigg-Wither đã cầu hôn Jane vào năm 1802, 6 năm sau khi Tom Lefroy ra đi. Jane Austen lo lắng cho số phận của mình và của chị cũng như mẹ mình sau khi bố qua đời nên đã nhận lời cầu hôn này, mong muốn được đảm bảo về mặt kinh tế.

Câu chuyện trong các tiểu thuyết của bà đã nói rất rõ lí do của những cuộc hôn nhân như thế: luật pháp quy định sau khi người cha qua đời, gia sản sẽ chỉ được truyền lại cho con trai. Nếu gia đình không có con trai thì gia sản sẽ được di chúc cho người cháu họ trai gần nhất. Gia đình của Jane Austen dù không ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng cũng là một gia đình không mấy giàu có. Một gia đình tầng lớp trung lưu, cho dù các cô con gái có giỏi và thanh lịch, tài năng và có học thức đến đâu, cũng sẽ gặp phải vô số cản trở nếu muốn tiến tới hôn nhân với tầng lớp thượng lưu. Sau khi bố bà qua đời, liệu ai sẽ chăm sóc hai chị em và mẹ của bà, nếu những người anh trai khác cũng có gia đình riêng phải lo lắng?

Ngay ngày hôm sau, Jane Austen hủy bỏ hôn ước.

Cũng như những nhân vật của mình, luôn nghe theo lời trái tim mình, bà đã từ chối một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Lý do quan trọng này được bà tiết lộ trong một lá thư gửi cho người họ hàng xa, khuyên nhủ cô cháu gái cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Lời khuyên nhủ thật đơn giản: đừng cưới nếu thật sự không có sự mến thương nào.

img

Lý trí và Tình cảm bản phim 1995

Quy luật này cũng là một trong những quy luật đơn giản nhưng vững chắc nhất của Jane Austen, được bà phản ánh trong tất cả các nhân vật của mình. Dù cho đó là Elizabeth hay Elinor đã từ chối một cuộc hôn nhân vì tiền bạc, hay đó là Charlotte và Willoughby, dù miệng thề thốt những tình yêu đích thực, nhưng rồi lại quay lưng với chính bản thân và những niềm tin của mình, do lo sợ sự nghèo đói. Tuy vậy, Jane Austen luôn nhìn họ với con mắt trìu mến. Bà hiểu và thông cảm cho nỗi sợ của họ, tuy bà phê phán những hành động lạnh lùng, có phần trở mặt của Willoughby. Cũng vì vậy mà bà đã mang đến kết cục hạnh phúc với những nhân vật chính, những con người xứng đáng với niềm vui mà họ phải đấu tranh để đạt được, một cuộc đấu tranh thầm lặng đi ngược lại những quan điểm của xã hội.

2. Sự chân thực của tác phẩm nổi tiếng

Ở thời kì của Jane Austen, việc đọc sách là một thú vui rất phổ biến trong tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Hình ảnh sau bữa tối, mọi người tụ tập trong phòng đọc sách, mỗi người tự đọc một quyển riêng rồi bàn luận với nhau, hay một người con sẽ đọc sách cho cả nhà cùng nghe, là hình ảnh thường xuyên được khắc họa lại trong truyện.  Với ngành xuất bản nở rộ, nguồn văn học thời kì đó lại nghèo nàn. Hầu như, chỉ có các tác phẩm của giới thượng lưu, là các áng thơ, kịch thơ, hoặc nếu là văn chương thì mô tả những cảnh quá xa họa, hoặc câu truyện kinh dị, mờ ám đến vô lí.

Jane Austen thật sự cười nhạo những quyển sách được coi là thời thượng nhưng lại không mang một chút giá trị nào. Bà đã tự chọn cho mình một phong cách viết riêng: lối viết tả thực và viết về cuộc sống vùng nông thôn. Bố bà đã rất ủng hộ con giá mình, ông yêu cầu con gái mình đọc những tiểu thuyết của bà cho cả nhà cùng nghe. Thói quen này được Jane Austen giữ đến sau khi ông qua đời. Bà viết cho một người bạn của mình vào năm 1816: “Tôi không thể nghiêm túc ngồi xuống viết một chuyện lãng mạn nghiêm túc nếu không có động lực là để tự cứu bản thân mình… Tôi cần phải giữ lấy cái cách của tôi và đi con đường của riêng tôi. Và cho dù nếu tôi không bao giờ thành công, thì tôi cũng biết một điều rằng tôi sẽ hoàn toàn thất bại nếu đi theo những cách khác”.

img

Phiên bản phim Kiêu hãnh và Định kiến nổi tiếng ra đời năm 2005

Lựa chọn của bà đã được minh chứng là đúng đắn. Cùng với sự giúp đỡ của người anh Henry, làm đại diện cho bà với các nhà xuất bản ở London, bà bắt đầu gặt hái những thành công đầu tiên. Lúc này, cha của bà đã qua đời, hai chị em Jane và mẹ phải ở thuê, đi qua nhiều vùng nông thôn Anh quốc nhờ sự giúp đỡ của các anh em. Cuối cùng, gia đình bà ổn định tại một gia trang trong miền đất của người anh trai Frank ở Chawton. Trong 8 năm ở đây cho đến lúc qua đời năm 41 tuổi, bà đã hoàn thành những tuyệt phẩm lãng mạn nổi tiếng nhất của văn học Anh.

Lý trí và Tình cảm xuất hiện trước công chúng đầu tiên và bán hết trong vòng 2 năm. Cuốn sách nhận được nhiều lời khen ngợi, đồng thời đem lại một khoản tiền lớn giúp bảo toàn cuộc sống gia đình. Tiếp đến là Kiêu hãnh và Định kiến, đạt thành công ngay tức thì và tiếp tục in bản thứ hai chỉ trong vòng 9 tháng. Và tiếp đến là Nông trang Mansfield, Thuyết phục và Emma.

Thành công về mặt kinh tế của những cuốn sách không chỉ giúp cho gia đình bà có cuộc sống thoải mái. Khi các an hem trai của bà bị rơi vào phá sản, lợi nhuận từ những cuốn sách của bà còn giúp họ vực lại công việc kình doanh.

img

 Northanger Abbey (2007) có sự tham gia của Felicity Johns.

Jane Austen tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ cho đến khi qua đời, bởi bệnh tình biến chuyển rất nhanh và không kịp cứu chữa, dù cho gia đình bà hết sức lòng chăm sóc. Bà qua đời ngày 18 tháng 7 năm 1817, trong khi vẫn còn dang dở với Northanger Abbey và Thuyết phục. Không đành lòng nhìn tâm huyết của chị mình chưa được hoàn thành, Henry và Cassandra đã hoàn thành nốt những bản thảo của bà dựa trên những gì bà để lại. Trong những tác phẩm này, Henry đã đưa ra một quyết định táo bạo nhất. Lần đầu tiên, ông kí tên chị mình dưới những tác phẩm, đưa ra ánh sáng với công chúng người nữ nhà văn mà họ mến mộ, trước đó chưa từng được biết đến.

Có lẽ, đến cuối cùng, Jane Austen đã được sống với tình yêu đích thực của đời mình: được sống một cuộc đời độc lập, được làm điều mình thích và luôn có tình yêu ở trong tim. Những tác phẩm của bà đã và vẫn đang thay bà truyền tình yêu và niềm tin vào cuộc sống ấy đến với hàng triệu độc giả của mọi lứa tuổi của tương lai.