Về khía cạnh tín ngưỡng, tên gọi đền là Thủy Trung Tiên sẽ được đông đảo giới khoa học chấp nhận. Bởi lẽ, tên gọi đền Cẩu Nhi sẽ lại nổ ra một cuộc tranh cãi lớn như đã từng xảy ra trong quá khứ hàng chục năm trước. Nhưng ngôi đền xây dựng xong sẽ thờ vị thần nào? Năm 2005, UBND quận Ba Đình đã có chủ trương xây dựng đền Cẩu Nhi nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học.
Vì lẽ, chủ thể được thờ là sẽ là một vị chó con. Và khi khấn "tín chủ” sẽ lầm rầm: "kính thỉnh cẩu nhi đại vương”? Nguyên do xuất phát từ ý kiến của một số nhà nghiên cứu căn cứ vào sách "Tây Hồ chí”. Hiện cuốn này đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu A3192.1/2. Đối lập với ý kiến này, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng đền trên đảo hồ Trúc Bạch thờ Thần cá. Số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng đền thờ Mẫu Thoải (đọc chệch từ Mẫu Thủy). Căn cứ là từ bức ảnh chụp thời Pháp năm 1912 có chữ "Thủy Trung Tiên Từ” và được ghi chú là "Đền cá”.
Vậy ngôi đền Thủy Trung Tiên sẽ thờ vị thần nào? Bản vẽ dự án không thể hiện điều đó. Ông Nghiêm Đức Hùng – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin (UBND quận Ba Đình) không cho biết ngôi đền sẽ thờ vị thần nào. Trong văn bản thông báo số 405/TB-BVĐ ngày 19.12.2014 của Ban vận động kinh phí xã hội hóa xây dựng đền Thủy Trung Tiên và cầu đá từ đường Thanh Niên vào đảo cũng không nêu chủ thể được thờ là ai.
Trong khi đó, hiện trạng trên đảo lại khiến người viết vô cùng băn khoăn. Giữa nhà bia khắc năm 1987 ghi rõ là "Di tích Cẩu Nhi”. Phía sau lại có ban và tượng thờ "Đức vua cha Ngọc Hoàng”. Còn phía xa bên mép đảo lại có một miếu nhỏ dựng tạm, có tượng thờ "Cô Chín”.