Dân Việt

Lùi thời hạn thông qua Luật Đất đai: “Quyết định không hề bất ngờ”

22/06/2013 15:42 GMT+7
Dân Việt - "Nếu theo dõi toàn bộ ý kiến đóng góp của cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì có thể thấy Quyết định của Quốc hội không hề bất ngờ”.

Đây là nhận định của ông Phạm Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Cộng đồng nông thôn, thành viên Ban điều hành Liên minh Nghiên cứu đất đai - chia sẻ với phóng viên Dân Việt.

img
Ông Phạm Văn Thành

Cảm xúc của ông như thế nào khi nghe tin Quốc hội bất ngờ quyết định không đưa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào biểu quyết thông qua vào ngày 21.6 - một quyết định thuận chiều với kiến nghị của 18 tổ chức xã hội - nghề nghiệp mà ông là người đại diện?

- Trước hết, nếu theo dõi toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII lần này (cũng như góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và báo chí) về Dự thảo Luật đất đất sửa đổi thì có thể thấy Quyết định của Quốc hội không hề bất ngờ. Đại bộ phận các đại biểu Quốc hội đã thực sự lắng nghe và đều bày tỏ mối quan tâm của nhân dân, của các cộng đồng và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.

“Liên minh Nghiên cứu đất đai là sự hợp tác liên ngành giữa các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các cơ quan chính phủ các cấp, các trường đại học, các viện nghiện cứu và khu vực tư nhân… nhằm nâng cao cơ hội cho người dân tham gia xây dựng chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, xã hội từ các hoạt động quản lý, sử dụng đất”.

Ông Phạm Văn Thành

Thực hiện trọng trách của mình, các vị Đại biểu đã đưa ra các quan điểm đúng đắn với những phân tích và những lý lẽ đầy thuyết phục cùng với những bằng chứng thực tế của những vấn đề liên quan. Tuy nhiên, có thể thấy niềm vui đang tràn ngập trong nhân dân trước quyết định của Quốc hội, một quyết định quan trọng liên quan tới một đạo luật gắn liền với quyền và lợi ích của tất cả mọi người.

Như vậy là Quốc hội đã dành thêm thời gian để hoàn thiện dự luật trước khi biểu quyết thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Ông bình luận gì về quyết định này?

- Để có được những quy định tốt của pháp luật, khẳng định vai trò của người dân trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, khắc phục những yếu kém hiện tại về pháp luật cũng như thực thi pháp luật đất đai, Quốc hội đã dành thêm 4 tháng nữa để hoàn thiện dự luật trước khi biểu quyết thông qua. Đây là một điều kiện tuyệt vời để có thể tiếp thu ý kiến của toàn dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách thấu đáo và toàn diện. Điều kiện này cũng giúp đạo luật này hoàn thiện và phù hợp với Hiến pháp nhờ có thêm thời gian nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng những quy định sẽ tác động đến đời sống của đa số người dân.

Trong thời gian qua, các thành viên Liên minh Nghiên cứu đất đai đã có những hoạt động nổi bật nào góp phần xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi?

- Hưởng ứng yêu cầu của Quốc hội về việc lấy ý kiến của người dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chúng tôi đã tích cực tham gia vào quá trình lấy ý kiến của người dân về Luật Đất đai thông qua những cuộc đối thoại trực tiếp với hàng nghìn người dân ở các vùng miền. Công việc này đã nhận được sự phối hợp và sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều tổ chức nhà nước, nhiều tổ chức chính trị - xã hội và nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Trong quá trình tiếp cận trực tiếp với người dân, những câu chuyện thực về đất đai đang xảy ra ở nhiều địa phương, nơi chúng tôi triển khai các hoạt động tham vấn người dân, đã được tập hợp để phân tích logic và khách quan dưới giác độ khoa học "định tính" và "định lượng". Tất cả nỗ lực trong thời gian tham vấn người dân là: Tập hợp các số liệu thực tế để đối chiếu với bản Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất để soi rọi thực tế qua một "lăng kính" của Dự thảo. Từ kết quả tham vấn trên, chúng tôi đã gửi một Bản kiến nghị trình Quốc hội chưa thông qua Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi.

Trong bản kiến nghị mà ông vừa nhắc đến, có nêu ba nhóm vấn đề lớn còn tồn tại của dự luật cần được tiếp tục hoàn thiện. Theo ông, ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội cũng như các tổ chức khác nên được tiếp thu như thế nào trong 4 tháng tới để hội tụ được tối đa trí tuệ của nhân dân và kết tinh vào Luật Đất đai sửa đổi cũng như 3 nghị định kèm theo?

- Tìm hiểu và xác định mối quan tâm của người dân, của các cộng đồng và lắng nghe ý kiến của đông đảo các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp nhằm sửa đổi Luật là một vấn đề quan trọng và quyết định.

Có thể nói 3 nhóm vấn đề lớn của Dự thảo Luật còn tồn tại được xuất phát từ "cơ chế bất hợp lý trong tiếp thu ý kiến của người dân". Sự "tắc trách" và thiếu những nỗ lực thực sự mẫn cán của quá trình "lắng nghe ý kiến" thể hiện qua việc tham dự Hội thảo "cho có mặt" hay sự bỏ về giũa chừng của những người có trách nhiệm khi tham gia các Cuộc tọa đàm/Hội nghị tham vấn là một hiện tượng phổ biến. Tiếc là nỗ lực của các Tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong các Tọa đàm, Hội thảo để phản ánh nguyện vọng của người dân về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) thời gian qua chưa khích lệ được sự lắng nghe ý kiến của những người có trách nhiệm trong công tác xây dựng Luật. Điều này đồng nghĩa với nhận định "cố gắng và nỗ lực của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp chưa được đánh giá đúng mức để được tham vấn cho vấn đề này".

Vì vậy, trong khung khổ hạn hẹp của thời gian 4 tháng tới, cơ chế thực hiện hoạt động "lấy ý kiến của người dân" và "tiếp thu ý kiến của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp" cần phải được thay đổi để được phản ánh đầy đủ những nguyện vọng hợp lý của người dân. Một cơ chế mạch lạc, khoa học đảm bảo tham vấn đầy đủ với các đối tượng khác nhau về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), được xác định rõ ràng và cụ thể sẽ là yếu tố quyết định để đạt được kết quả tốt, tránh bệnh hình thức và tránh không phản ánh trung thực kết quả tham vấn người dân.

Về phía ông và các tổ chức của Liên minh nghiên cứu Đất đai sẽ có những hoạt động gì để tiếp tục đóng góp xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cũng như chính sách về đất đai nói chung?

Chúng tôi mong muốn được đóng góp nỗ lực nhiều hơn nữa cho xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và các chính sách về đất đai trong thời gian tới, nhằm góp phần cùng toàn dân xây dựng một khung pháp luật đất đai ổn định, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!