Dân Việt

Xô đẩy cướp lộc, xoa kiếm lấy may ở đền Trần

Nguyễn Đức 05/03/2015 07:58 GMT+7
Sau lễ khai ấn đền Trần, hàng ngàn người dân đã đổ về đền Thiên Trường dâng hương cầu công danh sự nghiệp. Nhiều người đã chen lấn, giẫm đạp lên nhau để cướp lộc thờ. Thậm chí, một số người còn xô đẩy nhau để xoa tiền vào thanh kiếm lấy may đầu năm.

Video: Xô đẩy, tranh giành xoa tiền lẻ vào thanh kiếm lấy may:

Đêm 4.3 (14 tháng Giêng) lễ khai ấn đền Trần năm 2015 đã diễn ra tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP. Nam Định. Tham dự lễ khai ấn năm nay có ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an…

Ghi nhận của phóng viên, 21h ngày 4.3, từng dòng người nối đuôi nhau đổ về khu vực đền Trần. Tại tuyến đường Trần Thừa, giao thông đã ùn tắc, người dân phải đứng chôn chân tại chỗ.

Đến 22h, ban tổ chức bắt đầu nghi lễ dâng hương tới các vị vua Trần. Tiếp đó là lễ rước kiệu ngọc. Đoàn rước gồm 120 người được lựa chọn kỹ càng từ nhiều thanh niên trai tráng để rước kiệu Đức Thánh Trần.

23h40, sau khi lễ khai ấn diễn ra, người dân bắt đầu đổ dồn về đền Thiên Trường (đền thờ các vị vua Trần), đền Hạ, đền Trùng Hoa dâng hương cầu công danh, sự nghiệp.

Tại khu vực sân trước đền Thiên Trường, hàng ngàn người dân đứng chật cứng không còn chỗ trống. Khi lượng người quá tải, nhiều người đã chen lấn, giẫm đạp lên nhau cướp hoa, quả trên bàn thờ phía sân lấy may. Thậm chí, người dân còn làm vỡ chậu hoa lan ở đặt ở phía ban thờ.

0h30 ngày 5.3, tại phía sân trước của đền Thiên Trường, nhiều người đã xô đẩy, chen lấn vào bên trong đền dâng hương.

Đặc biệt tại khu vực cung cấm (nơi thờ các vị vua triều Trần) đã xảy ra tình trạng hỗn loạn. Hàng trăm người dân lao vào nhau xô đẩy, tranh giành thanh kiếm để xoa tiền lẻ lấy may. Bát hương tại cung cấm cũng bị xê dịch do người dân dùng tiền lẻ xoa lên lấy may. Ban tổ chức có mặt tại thời điểm đó đành bất lực, ngao ngán đứng nhìn.

Sau một hồi chen lấn mà không vào được bên trong đền Thiên Trường, ông Phạm Văn Phúc (46 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) tỏ vẻ mệt mỏi, ngán ngẩm. Ông cho biết, năm nào ông cũng lên dự lễ khai ấn đền Trần cầu tài, cầu công danh sự nghiệp cho cả gia đình.

“Tuy nhiên, năm nay lại có một số hình ảnh không đẹp diễn ra sau lễ khai ấn đền Trần. Tôi thấy nhiều người dân chen lấn, giẫm đạp lên nhau để lao vào cướp lộc (hoa và quả). Tôi tin chẳng thánh thần nào phù hộ những người dân lao vào cướp lộc thì ”, ông Phúc chia sẻ.

Đến 1h sáng, cảnh đông đúc, chen lấn ở  đền Trần đã không còn. Sau khi dâng hương, người dân đã ra về, chuẩn bị cho buổi xin ấn vào 6h sáng 5.3 (tức ngày 15 tháng Giêng).

Một số hình ảnh ghi lại sau lễ khai ấn đền Trần:

img
Ngay từ tối 4.3, hàng ngàn người dân đã đổ về đền Trần dự lễ khai ấn

 

img
Tại tuyến đường Trần Thừa (trước cửa đền Trần), hàng rào thép được dựng lên để phục vụ cho lễ khai ấn. Năm nay, ban tổ chức lễ hội huy động hơn 2.000 người bao gồm công an, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ đảm bảo an ninh cho lễ hội

 

img
23h40, sau khi lễ khai ấn diễn ra, người dân bắt đầu đổ dồn về đền Thiên Trường (đền thờ các vị vua Trần) dâng hương cầu công danh, sự nghiệp

 

img
 
img
Ngay sau đó người dân chen lấn, xô đẩy nhau lao vào cướp lộc ở trên bàn thờ

 

img
Người dân lấy bất cứ thứ gì đặt ở trên bàn (bao gồm cả hoa và quả) với mong muốn gặp may trong năm mới

 

img
Sau khi giành được hoa, một thanh niên đã ra vị trí sân trước đền Thiên Trường vái lạy cầu công danh sự nghiệp

 

img
Hàng ngàn người dân có mặt phía trước đền thờ Thiên Trường dâng hương hoa, cầu may mắn

 

img
Nhiều người dân không thở được đã la hét, thậm chí một số người giẫm đạp lên nhau để thoát khỏi cảnh chen lấn

 

img
Bên trong hành lang đền Thiên Trường chật cứng người

 

img
Ngay sau lễ khai ấn, nhiều người đã xô đẩy nhau để chạm tiền lẻ vào thanh kiếm lấy may mắn trong năm mới

 

img
Cảnh tranh giành thanh kiếm đã diễn ra

 

img
Nhiều người quan niệm xoa tiền lẻ vào thanh kiếm sẽ gặp nhiều may mắn

 

img
Thậm chí một số người còn cầm cả tay vào thanh kiếm đặt ở cấm cung

 

img
Một số người không chen lên được để chạm vào kiếm thì lại bỏ tiền lẻ vào khe gỗ

 

img
Ông Phạm Văn Phúc (46 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) dọn chậu lan bị vỡ ở trước đền Thiên Trường.

Lễ hội đền Trần thường diễn ra trong 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định. Lễ hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Đây là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin, mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong sự nghiệp.