Canh quan họ theo truyền thống diễn ra trong hội Lim đêm 12 Âm lịch tại nhà của ông Nguyễn Hữu Bể, con trai nghệ nhân Nguyễn Thị Nguyệt (xóm Trùng, làng Lũng Giang, thị trấn Lim, Bắc Ninh).
Năm canh của những người già
Trong ngôi nhà ba gian rộng chừng 70m2, liền anh liền chị ngồi đối diện nhau gian giữa, khách nêm chật hai gian còn lại. Những ông già, bà cả vận đồ nâu sồng chỉnh tề, đám thanh niên nghiêm cẩn ngồi khép nép trong góc, những đứa trẻ ngơ ngác trong lòng bố mẹ... Nhưng đa phần khách đến buổi hát canh là người về từ Hà Nội.
Ông Hai Bể thở dài: “Dân làng lúc này đổ xô ra đồi. Làng xóm thích ồn ào, náo nhiệt hơn. Những canh hát như thế này chỉ thu hút được số ít những người thực lòng quan tâm tới di sản quan họ”.
Nhà ông Bể cách hội Lim chừng 10 phút đi bộ. Nhưng qua thời gian, hai địa điểm diễn xướng quan họ có hai “thân phận” và “phẩm giá” đối nghịch nhau. Đồi Lim mỗi lúc một đông thì các canh hát ở nhà ông Hai Bể mỗi năm mỗi vắng. Liền anh liền chị ở đồi Lim mỗi lúc một trẻ hóa thì đám quan họ tại nhà ông Bể ngày một già cỗi. Đồi Lim càng ngày càng “xấu xí” với rác thải tràn lan, vòi tiền du khách bằng việc ngả nón, bật nhạc sàn để “phá âm” lán quan họ làng khác... Còn nhà ông Bể vẫn âm thầm bảo tồn nguyên gốc di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Song, trong canh hát tại nhà ông Hai Bể, nếu câu Mời trầu vẫn “vang- kền – rền – nẩy” thì câu Giã bạn giọng ca đã có phần run run. Những người giữ hồn di sản mỗi năm mỗi tuổi. “Cái tuổi nó đuổi xuân đi”. Còn những người trẻ không còn thiết tha với những canh hát thâu đêm mệt nhoài.
Vô tình gặp nhạc sĩ Nguyễn Trung, tác giả của ca khúc Tìm em trong chiều hội Lim (bài hát vẫn được mệnh danh là “Hội Lim ca”) tại canh hát nhà ông Hai Bể, nhạc sĩ buồn rầu chia sẻ: Người trẻ Lim giờ chán quan họ rồi! Đám hát thâu đêm này cũng là năm canh của những người già. Nếu cứ như thế này, tôi không biết canh hát của ông Bể còn duy trì được bao lâu. Đám quan họ nhà ông Hai Chiến, nhà bà Nhung trong khu vực cũng tương tự.
Người trẻ “lên sân khấu kiếm tiền cả rồi!”
Ông Hai Bể phân tích rõ hơn: Hát canh cần phải học niêm luật, thuộc cả trăm bài quan họ, cả ngàn điển tích để hiểu “thâm ý” và đối đáp cả đêm. Nhưng những người trẻ không đủ kiên nhẫn. Các cháu chỉ học chừng dăm bài sau đó lên sân khấu kiếm tiền cả rồi!
Theo ông Hai Bể, việc học thực dụng và “ăn xổi” di sản như vậy tiềm ẩn hiểm họa thất truyền những làn điệu cổ, hình thức diễn xướng cũng xa dần nguyên bản. Và từ những thay đổi hiện tượng, ông Hai Bể lo về việc thay đổi bản chất của di sản quan họ. Khi làn điệu Kinh Bắc dần sẽ chỉ là một thứ âm nhạc giải trí chứ không sống cùng cộng đồng như là một phương thức giao lưu. Ông ngại rồi người ta sẽ chỉ hát vì đồng tiền chứ không phải hát để cảm cái tình của bạn hát như các ông đang làm.
Được biết, từ khi quan họ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều biện pháp bảo tồn di sản này: Quan họ là môn học bắt buộc của nhiều trường trong địa bàn tỉnh; các liên hoan quan họ cũng được tổ chức thường xuyên từ cấp độ mẫu giáo tới toàn quốc; các “nhà chứa” (từ người Kinh Bắc dùng để chỉ nơi sinh hoạt quan họ) cũng được tỉnh cung cấp thêm một chút tài chính để hoạt động.
Nhưng, “loạn” đồi Lim vẫn không thể chấm dứt với cách tổ chức chụp giật, manh mún. Những đêm hát canh cũng chẳng thể nối dài nếu thế hệ trẻ địa phương đang quay lưng với di sản ông cha.
Và, khi người trẻ ở Lim chán quan họ là lúc vấn đề bảo tồn di sản cần xem lại từ cách tiếp cận.