Không thể phủ nhận giá điện hiện nay vẫn còn độc quyền. Do vậy các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng rằng, phải có một cơ quan Nhà nước độc lập đứng ra định giá. Xong giá điện tăng lần này vẫn dựa trên cơ sở đề nghị của EVN và Bộ Công Thương.
Chính phủ chọn phương án tăng giá điện thấp nhất lần này cho thấy cơ sở kiến nghị của EVN chưa chuẩn. Hai phương án tăng giá điện còn lại là vô lý và ngay cả mức tăng 7,5% của giá điện lần này theo các chuyên gia cũng chỉ có cơ quan kiểm toán độc lập mới biết rõ có hợp lý hay không.
Một người am hiểu ngành điện và công tác trong ngành điện lâu năm như ông Trần Viết Ngãi (hiện là Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) còn phải đặt câu hỏi: “Nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng” có đúng không? Ông Ngãi cũng cho rằng, lỗ của EVN công bố còn chưa chuẩn về số liệu, khoản lỗ 16.800 tỷ đồng mà EVN công bố từ cuối năm 2014 cần được xác minh lại…
Tăng giá điện được đồng nào rõ ràng là đỡ cho ngành điện đồng ấy song lẽ ra trước khi tăng giá, cả một thời gian dài như thế, ngành điện cần có những công bố công khai, minh bạch về giá thành điện, cụ thể từ giá bán điện đến tay hộ tiêu dùng, giá điện theo bậc thang, chứ không chỉ là giá điện bình quân như hiện nay thì giá thành điện sẽ rõ với người dân hơn. Những khoản tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động trong ngành điện giảm tổn thất điện năng cũng vậy, đã được nói quá nhiều song đến nay vẫn chưa có gì được công bố từ chính nhà đèn, dù giá điện sắp tăng từ 16.3 tới.
Người tiêu dùng cuối cùng có quyền đặt câu hỏi: Không biết đến bao giờ, trước khi quyết định cho tăng giá điện, Bộ Công Thương mới “buộc” EVN chứng minh cho được (và phải công khai) chi phí đầu vào tăng tương ứng với tỉ lệ đề xuất, chứ không thể tăng theo kiểu “con khóc nên mẹ cho bú”.