Những vụ việc đau lòng
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều địa phương cũng đã ghi nhận không ít vụ án mạng do người trong gia đình gây ra.
Ngày 29 Tết Nguyên đán Ất Mùi, trong khi nhà nhà ở xã Gio Việt (Gio Linh, Quảng Trị) đang chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên thì bỗng nhiên nghe tiếng hét lớn. Hàng chục người vội vã lao đến ngôi nhà đang bốc khói đen mù mịt của ông Trương Xuân Cảm (70 tuổi).
Cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt, con trai ông Cảm là Trương Xuân Nam (40 tuổi) đã tẩm 3 lít xăng lên người tự thiêu sau đó lao vào dùng chăn phủ kín và ôm chặt chính cha đẻ của mình đòi chết chung. Hậu quả, hai cha con ông Cảm bị bỏng nặng phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Tuy nhiên, vì vết bỏng quá nặng, anh Nam qua đời vào ngày mùng 3 Tết để lại 3 đứa con thơ dại. Còn ông Cảm, tuy gia đình đã vay mượn khắp nơi, tiêu tốn cả trăm triệu đồng cho việc điều trị nhưng vẫn đang nguy kịch.
Mới nhất, ngày 5.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Giang (Quảng Nam cho biết), đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Tơ Đênh Triệu (SN 1983, trú xã Chà Val, huyện Nam Giang) để điều tra về hành vi giết người.
Sự việc xảy ra vào 17 giờ ngày 4.3. Sau khi nhậu say, Triệu về nhà bố ruột là ông Tơ Đênh Đíp (62 tuổi) thì bị bố la mắng. Lúc này, Triệu lấy xe máy đi chơi thì bị ông Đíp dùng xà beng đuổi quanh nhà. Trong lúc giằng co Triệu vớ một thanh gỗ đập mạnh vào gáy ông Đíp khiến ông gục ngã tại chỗ và tử vong sau đó.
“Không muốn vạch áo”
Theo Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), đúng là thời gian qua có nhiều vụ trọng án xảy ra từ mâu thuẫn gia đình, có khi là từ những mâu thuẫn rất nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu do xuất phát từ mâu thuẫn trong tranh chấp tài sản, mâu thuẫn tình ái, người bị bệnh tật và những mâu thuẫn khác trong cuộc sống. Khi những mâu thuẫn này không được giải quyết triệt để nó tích tụ thành nỗi bức xúc rất dễ xung đột, thậm chí xảy ra án mạng.
Trưởng Công an xã Gio Việt, ông Lê Nam Sơn phân tích: Khi phát hiện những vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), chính quyền địa phương chủ yếu là hòa giải, vận động tuyên truyền. Chỉ những vụ việc lớn, hậu quả nghiêm trọng thì xã mới giáo dục, răn đe, xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, vì tâm lý không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên nạn nhân của BLGĐ thường che giấu, đưa ra những lý do khác chứ không chịu thừa nhận bị BLGĐ”.
Đứng trên góc độ tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm – giảng viên môn tâm lý học Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị phân tích: Hiện số vụ BLGĐ xảy ra ở những gia đình trí thức có xu hướng tăng cao. Chính mắt tôi đã chứng kiến có một cô giáo cầm cuốc rượt chồng mình chạy quanh xóm. Hay có bà mẹ chồng chửi rủa con dâu suốt 6 tháng đến nỗi cô con dâu bị sang chấn tâm thần phải nhập viện, nguyên nhân chỉ vì con dâu chưa có việc làm…
“Những đứa trẻ sống, chứng kiến BLGĐ sẽ dẫn đến hai xu hướng tâm lý tiêu cực. Một là đứa trẻ đó khi lớn lên sẽ có định kiến về gia đình dẫn đến việc xa lánh gia đình, cha mẹ. Hai là chúng sẽ lặp theo khuôn mẫu của cha mẹ, hành động bạo lực với bạn đời, thậm chí với con cái của mình”- thạc sĩ Diễm đánh giá.