Dân Việt

Hầu đồng giữa Ngày thơ, khán giả thích thú

Huy Hoàng 06/03/2015 08:03 GMT+7
Màn diễn nghi lễ hầu đồng của các nghệ sĩ dân gian đến từ Nam Định đã thu hút mọi sự chú ý, thích thú qua những tràng pháo tay của không chỉ người yêu thơ Việt Nam mà cả những bạn bè quốc tế.

Sáng 5.3 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 với sự tham gia của 150 nhà thơ, nhà văn, dịch giả văn học của 43 quốc gia trên thế giới, cùng 30 câu lạc bộ thơ trong nước, hàng trăm độc giả yêu thơ...

Tiết trời mưa phùn và kèm theo giá lạnh nhưng từ cổng vẫn nườm nượp người vào. Vì ngày rằm tháng Giêng năm nay rơi vào ngày làm việc trong tuần nên chủ yếu khán giả đến với ngày hội là những người yêu thơ cao tuổi.

img

Màn trình diễn nghi lễ hầu đồng của các nghệ sĩ dân gian đến từ Nam Định.      Ảnh: Huy Hoàng

Tại buổi lễ khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ngày thơ năm nay tiếp tục chủ đề hướng về biển đảo nhằm giới thiệu rộng rãi, cung cấp một bức tranh tổng thể về thành tựu, giá trị, bản sắc độc đáo của văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Cũng chính vì vậy mà mở màn cho Ngày thơ là bài thơ “Tổ quốc là tiếng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Ngày thơ năm nay đã có 2 sân thơ truyền thống và quốc tế thay vì sân thơ trẻ và già như thông lệ. Theo Ban tổ chức, năm nay không có một sân thơ trẻ riêng biệt không phải vì sân thơ trẻ nhạt hay thiếu các yếu tố mới mẻ mà lý do quan trọng hơn cả là Ban tổ chức muốn tạo điều kiện cho các nhà thơ quốc tế xuất hiện, muốn dành cơ hội cho bạn đọc Việt Nam thưởng thức giọng nói thơ ca của các dân tộc khác thông qua sự xen kẽ các tiết mục văn nghệ mang đậm dấu ấn Việt Nam. Đặc biệt là màn diễn nghi lễ hầu đồng của các nghệ sĩ dân gian đến từ Nam Định đã thu hút mọi sự chú ý, thích thú qua những tràng pháo tay của không chỉ người yêu thơ Việt Nam mà cả những bạn bè quốc tế.

Các nhà thơ Việt Nam như: Y Phương, Nguyễn Thị Mai, Phạm Hồ Thu, Trương Nam Hương… đã lần lượt lên sân khấu thể hiện các sáng tác văn học của mình. Để đáp lại, nhà thơ nữ Neeva Mukova của Slovakia đã trình diễn một tiết mục bất ngờ khi đọc thơ Hồ Xuân Hương, thơ Xuân Quỳnh bằng tiếng Việt.

Bên cạnh hoạt động chính là Ngày thơ Việt Nam, còn có nhiều hoạt động phụ được diễn ra như: Triển lãm giao lưu văn học quốc tế, các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch, xuất bản ở nước ngoài; Trưng bày và giới thiệu sách của các nhà xuất bản trong nước; khu phố nghệ thuật với sự tham gia của 30 câu lạc bộ thơ, 8 địa phương trong cả nước, 6 trường đại học với các hoạt động xuất bản phẩm, thư pháp, trình diễn nghệ thuật dân gian.