Dân Việt

Chen nhau cướp lộc đền Trần

Chu Hồng Châu 06/03/2015 08:02 GMT+7
Đến hẹn lại lên, Lễ hội Khai ấn đền Trần năm nay tuy có một vài thay đổi trong khâu tổ chức nhằm tránh sự chen lấn, hỗn loạn như những năm trước nhưng vẫn còn cảnh tượng chèn ép, xô đẩy nhau cướp lộc của một bộ phận du khách.

Vẫn mất đồ dù an ninh nghiêm ngặt

Lễ hội Khai ấn đền Trần xuân Ất Mùi được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống, diễn ra vào giờ Tý đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng (tức đêm 4 rạng sáng 5.3.2015), có nghi thức rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo sang đền Thiên Trường thờ 14 vị Hoàng đế thời Trần và tổ chức lễ khai ấn. Ngoài ra, trong các ngày từ 11 đến 16 tháng Giêng Ất Mùi, tổ chức các hoạt động hội truyền thống gồm: Múa lân - sư - rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ, võ, vật bên ngoài cổng ngũ môn đền Thiên Trường.

img

Du khách hào hứng nhận ấn đền Trần. Chu Hồng Châu

An ninh trật tự được đảm bảo nghiêm ngặt với hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh, công an TP.Nam Định, lực lượng dân phòng... nhằm giúp cho lễ hội diễn ra an toàn, giao thông thuận lợi. Lực lượng công an lập thành từng lớp bảo vệ, trải dài suốt mấy cây số trước đền cũng như rải khắp nơi trong đền.

Dù sau lễ khai ấn, loa của Ban tổ chức liên tục nhắc nhở khách thập phương chú trọng giữ gìn đồ dùng, tư trang, cộng với lực lượng an ninh có mặt khắp mọi nơi, tuy nhiên vẫn có du khách bị kẻ gian móc mất ví tiền, điện thoại. Ông Vũ Văn Hải (54 tuổi ở Kim Động, Hưng Yên) thẫn thờ: "Con gái tôi đã cẩn thận đưa điện thoại cho bố cầm, chỉ vài giây tôi chắp tay khấn vái, kẻ gian đã móc mất chiếc điện thoại Iphone 4. Chẳng biết báo công an có tìm được không giữa rừng người như thế này".

21 giờ ngày 14 tháng Giêng, hàng vạn người khắp nơi ùn ùn đổ về đền Thiên Trường. Trước khi diễn ra lễ khai ấn, giá vé gửi xe máy đã tăng từ 20.000 lên 30.000 đồng/lượt, vé gửi xe ô tô dao động từ 100.000-200.000 đồng/lượt tùy loại xe. Dịch vụ xe ôm chở khách từ đường Quốc lộ 10 vào khu vực đền chỉ khoảng 800m đã tăng giá từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng. Các quầy dịch vụ ăn uống cũng tăng giá theo thời gian bởi theo họ buổi lễ khai ấn là đông đảo nhất, còn những ngày khác du khách thưa thớt hơn. Ngành bưu điện cũng thức thời khi mở quầy nhận... chuyển phát nhanh ấn đền Trần. Dọc lối vào đền, có khoảng 20 người ăn xin để trẻ nhỏ nằm vật vã ngay trên nền đường dưới trời mưa nặng hạt.

Tái diễn cảnh chen lấn cướp lộc

Gần 24 giờ ngày 14 tháng Giêng, dù trời mưa khá nặng hạt nhưng hàng vạn người vẫn thành kính lần lượt vào dâng hương các Vua Trần tại phủ Thiên Trường. Sau khi vào được sân đền, hàng trăm người đã chen lấn, xô đẩy cướp lộc trên các ban thờ tạo nên cảnh hỗn loạn. Người ta tranh nhau, hô hào giành giật lấy tất tật từ hoa quả, bánh trái bất luận là lễ của ai. Sự lộn xộn này khiến Ban tổ chức cũng như lực lượng an ninh không thể can thiệp dù liên tục nhắc nhở. Ngoài ra, bên trong đền nhiều người tranh nhau lấy tiền xoa vào cây kiếm để cầu may, có người còn cầm hẳn thanh kiếm trên bệ thờ. Mọi việc tạo nên quang cảnh trong đền vô cùng lộn xộn, nhếch nhác và chỉ trở lại bình thường sau một giờ, tức là khoảng 1 giờ sáng.

Quan điểm

Bà Đào Kim Oanh
  Việc lộn xộn xảy ra là rất đáng tiếc, bởi trong quan niệm của nhiều người dân là đi hội đền Trần như những năm trước là phải tranh cướp ấn. Năm nay do không phát ấn sau lễ khai ấn nên họ quay ra... cướp lộc. Chắc chắn Ban tổ chức lễ hội sẽ rút kinh nghiệm để tránh những tình huống tương tự về sau".  
Ngồi gục bên mép hồ, anh Đặng Xuân Dương ở Lạc Quần (Trực Ninh, Nam Định) vừa bóp tay cho người vợ đang rũ rượi, vừa hổn hển: "Hai vợ chồng lần đầu đi lễ, vừa châm được nén nhang thì phía sau ào lên như chợ vỡ, chen cứng khiến chúng tôi không thở nổi. Vợ tôi cố ngồi thụp xuống nhưng tôi phải lôi dậy vì sợ họ giẫm lên, chen chúc mãi mới ra được đến đây để thở, nhiều phụ nữ vẫn còn kẹt cứng trong đó".

 

Năm nay, du khách sau khi dự lễ khai ấn xong chủ yếu nán lại chơi đêm tại các hàng quán bên ngoài đền đợi đến sáng xin ấn. Rất nhiều đoàn du khách ở các tỉnh xa đã không thuê khách sạn, nhà nghỉ qua đêm. "Sau lễ khai ấn, đoàn chúng tôi sẽ thăm viếng các khu đền, thưởng thức những món ăn đêm nổi tiếng trong thành phố Nam Định, tới sáng thăm tượng đài Đức Thánh Trần, quay lại đền xin ấn rồi trở về luôn"- anh Hoàng Văn Tú, công tác tại Nhà xuất bản Thanh Hóa chia sẻ.

Bà Đào Kim Oanh- Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định cho biết, tỉnh cũng như chính quyền TP. Nam Định, huyện Mỹ Lộc luôn theo dõi sát sao và đảm bảo cho Lễ hội Khai ấn đền Trần năm nay diễn ra an toàn, văn minh. Những thay đổi về giờ giấc, khu vực trao ấn nhằm đảm bảo an toàn, thuận lợi tối đa cho khách thập phương đến xin ấn cũng như giúp giảm tải, tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ.

Không giống như những lễ hội trước đây, ngay sau lễ khai ấn Ban tổ chức sẽ phát ấn, năm nay nhằm tránh sự lộn xộn, chen lấn giẫm đạp lên nhau để cướp ấn, Ban tổ chức trao ấn cho du khách vào 6 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng tại 3 khu vực là nhà Giải vũ đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và nhà trưng bày đền Trùng Hoa. Ngay từ sáng sớm, nhiều người đã đội mưa ngồi đặt chỗ tại các khu phát ấn, tới 5 giờ sáng đã có hàng ngàn người xếp hàng chờ xin ấn.

Việc xin ấn có vẻ trật tự hơn nhưng cũng không tránh khỏi lộn xộn do quá đông. Du khách xin ấn đóng góp tùy tâm nhưng chủ yếu mọi người vẫn "ra lộc" 50.000 đồng. Hoan hỉ khi cầm vài chiếc ấn trên tay, anh Đặng Minh Tuấn- Giám đốc một công ty xây dựng tại TP. Nam Định chia sẻ: "Mình đi xin ấn mong năm tới công ty ăn lên làm ra, nhân tiện xin ấn để biếu một vài đối tác làm ăn".