Dân Việt

Địa phương được trưng cầu ý dân?

06/03/2015 08:04 GMT+7
 Những địa phương phát triển như TP.HCM thì có thể cho trưng cầu ý dân về một vấn đề nào đó chỉ trong phạm vi địa phương.

“Cho đến bây giờ vẫn chưa có Luật Trưng cầu ý dân là chậm trễ quá! Việc trưng cầu ý dân đã nêu trong Hiến pháp từ năm 1946 nhưng vẫn chưa được thực hiện. Đây là việc đương nhiên, tất yếu phải làm. Cần phải ra luật này bởi đó là mong đợi, nguyện vọng của người dân” - GS-TS Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, nhấn mạnh như thế tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật trưng cầu ý dân của Hội đồng Tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, ngày 5.3.

Người chưa bị kết tội vẫn được biểu quyết

Liên quan đến những vấn đề Quốc hội đưa ra trưng cầu ý dân, theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam GS-TS Võ Khánh Vinh, nên liệt kê những vấn đề không trưng cầu ý dân, còn lại các vấn đề khác là được trưng cầu ý dân. Theo GS Vinh, như vậy mới linh hoạt, giải quyết những vấn đề phát sinh. Còn nếu liệt kê như dự thảo có thể sẽ thiếu. Ngược lại, có ý kiến cho rằng chỉ nên quy định trong luật một cách khái quát, đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước, còn đó là việc cụ thể nào thì do Quốc hội quyết định trong từng thời điểm, hoàn cảnh.

Theo bà Phan Thanh Mai - thành viên hội đồng, dự thảo luật hạn chế quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân của những người bị bắt tạm giam chưa có bản án kết tội là chưa hợp lý. Vì theo quy định, họ là người chưa có tội. Do vậy họ vẫn có quyền được ghi tên vào danh sách cử tri biểu quyết trưng cầu ý dân. Theo bà Mai, chỉ nên hạn chế việc thực hiện quyền biểu quyết trưng cầu ý dân đối với người không có đủ năng lực hành vi dân sự.

“Việc công dân thực hiện quyền biểu quyết trưng cầu ý dân chỉ bị hạn chế trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” - bà Mai nói.

img

 

Phiên họp cho ý kiến về dự án Luật trưng cầu ý dân của Hội đồng Tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 ngày 5.3. Ảnh: HOÀNG VÂN

Trưng cầu ý dân các vấn đề địa phương

Về phạm vi trưng cầu ý dân, dự thảo hiện nay nêu “các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định trưng cầu ý dân được thực hiện ở hai phạm vi: cả nước và địa phương đến cấp tỉnh nhưng vẫn là những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và việc trưng cầu ý dân phải do Quốc hội quyết định. Bởi trong bối cảnh dân chủ ngày càng được nâng cao và phát huy mạnh mẽ trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước thì bên cạnh những vấn đề mang tính toàn quốc, cũng có những vấn đề mang tính vùng hoặc liên quan trực tiếp đến một số địa phương cần có sự tham gia ý kiến, biểu quyết của người dân. Do đó việc tổ chức trưng cầu ý dân ở phạm vi vùng, địa phương là cần thiết để tránh lãng phí và đảm bảo tính hiệu quả khi vấn đề chỉ liên quan đến quyền, lợi ích của người dân ở một số địa phương.

“Có địa phương phát triển như TP.HCM thì có thể cho trưng cầu ý dân về một vấn đề nào đó chỉ trong phạm vi địa phương. Nên cho làm thí điểm ở một số địa phương, rồi rút kinh nghiệm cho các địa phương khác hoặc cho việc trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước thì tốt hơn” - GS-TS Võ Khánh Vinh đề xuất.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trường Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Có những vấn đề ở địa phương nhạy cảm, phức tạp, nếu người dân không đồng ý thì làm rất khó. Ví dụ, với các việc như có làm nhà máy xử lý rác hay làm một con đường mới không… thì có thể trưng cầu ý dân ở địa phương đó”.

Đảm bảo hiệu quả thực

Làm thế nào để việc trưng cầu ý dân đạt được kết quả cao nhất là vấn đề được nhiều nhà quản lý, chuyên gia quan tâm. “Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ cao nhất. Nhưng nếu thông tin đến người dân không đầy đủ, thông tin một chiều thì việc người dân quyết định về một vấn đề nào đó không đảm bảo đúng đắn. Làm sao để việc cung cấp thông tin cho người dân về vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân được khách quan, đa chiều, đầy đủ chứ không phải là thông tin kiểu “tuyên truyền” - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương lưu ý.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, dân ta phần lớn là nông, nhiều người không có thông tin đầy đủ về những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý kiến người dân. Nếu người dân chưa hiểu vấn đề đó như thế nào thì việc bỏ phiếu rất hình thức. Nhưng việc thông tin, tuyên truyền một chiều thì chỉ là áp đặt. “Chúng ta phải chủ động thông tin nhưng cũng cần tạo ra cơ chế để người dân tự tìm hiểu thông tin. Điều này thể hiện sự tích cực và cũng là quyền của người dân” - ông Vinh nói.


Nhà nước phải thu hẹp quyền

Quốc hội đưa ra một vấn đề nào đó cho người dân quyết, Quốc hội phải thu hẹp quyền của mình lại, cơ quan nhà nước cũng phải thu hẹp quyền của mình lại. Đây là một cuộc cách mạng. Nếu không xử lý được vấn đề này thì việc trưng cầu ý dân chỉ là hình thức.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ

Trưng cầu ý dân là phương thức dân chủ trực tiếp quan trọng và mạnh mẽ nhất để người dân thể hiện đầy đủ ý chí và quyền quyết định của mình đối với các vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Luật Trưng cầu ý dân tạo công cụ pháp lý và điều kiện thuận lợi để người dân tham gia sâu hơn, có tính quyết định trực tiếp đối với những vấn đề liên quan đến chủ quyền và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Dương Thanh Mai, thành viên Hội đồng Tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013