Người ta dễ dàng đổi được tiền lẻ (dù có lệnh cấm của Bộ Văn hóa) từ các bà bán hàng rong ngay trước cổng chính đến đầu nậu núp bóng người đi lễ trong vườn đền. Giá đổi mười đồng chẵn lấy tám đồng lẻ.
Và nhiều đồng tiền như thế được người dân ném vào kiệu ấn theo kiểu ném chút tiền thừa “bố thí” cho đức vua nhằm cầu tài lộc gấp bội. Rồi cảnh ban thờ lễ bị tranh cướp sạch từ hoa cúng đến bia lon, còn trơ khấc bát hương. Nhìn nét mặt sung sướng của kẻ “chiến thắng”, giật mình nhận ra lòng tin bị biến thành cuồng tín vụ lợi từ lúc nào.
Lễ khai ấn kết thúc, cuộc chạy đua xin ấn liền nổ ra. Người ta rỉ tai nhau có ba loại ấn. Ấn được đóng trong buổi lễ, ấn được đóng trong giờ Tý và ấn đóng đại trà phát cho người dân. “Loại ấn phát ngày 5.3 bao nhiêu cũng có, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng thôi”, ông Tuấn nhà phố Hàng Lược Hà Nội, thâm niên chục năm về Nam Định dự lễ, khẳng định.
Vì lẽ đó mà đền Trần nhộn nhịp suốt từ đêm mười tư tới sáng rằm tháng Giêng. Một số chẳng muốn chờ tới sáng hôm sau, cố gắng tận dụng mọi mối quan hệ để có được ấn giờ Tý. Chúng tôi đã gặp vài người trong quán ăn lúc 2 giờ sáng 5.3 với những cái ấn trong tay. Ấn đó ở đâu ra nếu như chính thức 6 giờ sáng chuyện “ban phát” mới được tiến hành.