Dân Việt

Có thực sự chữa khỏi ung thư giai đoạn cuối ?

Diệu Thu 06/03/2015 14:52 GMT+7
“Phương pháp chữa bệnh ung thư bằng tế bào gốc chẳng khác nào đưa bệnh nhân đến mức cận tử rồi kéo lại. Có những trường hợp thành công nhưng có những trường hợp không cứu vãn được”.

Vừa qua, Bệnh viện Trung ương Huế công bố chữa khỏi ung thư giai đoạn cuối bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Sau khi công bố này được ra đã khiến rất nhiều quan tâm về tính xác thực.

 

img

GS.TS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam

 

Trao đổi với phóng viên ngày 6/3, GS.TS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, các thầy thuốc công bố chữa trị thành công ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là hơi vội vã.

Ông lý giải, nếu nói chữa khỏi ung thư giai đoạn muộn bằng tế bào gốc là bệnh viện cũng chưa có đủ thời gian để theo dõi đánh giá về khả năng tái phát di căn của trường hợp này.

Theo GS. Nguyễn Bá Đức, từ trước đến nay, thế giới điều trị ung thư vẫn phải dựa trên 3 phương pháp gồm: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Tùy vào từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định nên áp dụng phương pháp điều trị nào ở từng giai đoạn.

Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư giai đoạn muộn, phương pháp hóa trị thông thường không hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng hóa chất mạnh với hy vọng tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, điều trị bằng phương pháp này, cơ thể sẽ phải đối diện với nguy cơ tổn thương tế bào máu, gây suy tủy và dẫn đến tử vong.

Do đó, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ. Tế bào gốc tạo máu được ghép có thể lấy từ bản thân người bệnh hoặc lấy từ người khác, chống lại tình trạng suy tủy của bệnh nhân ung thư.

Theo Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, bản chất sử dụng tế bào gốc là tạo lại máu, chống biến chứng suy tủy khi phải sử dụng hóa chất mạnh chứ không phải điều trị ung thư.

“Nói chữa bệnh ung thư bằng phương pháp tế bào gốc là không chính xác, khiến bệnh nhân hiểu sai”, GS. Nguyễn Bá Đức nói.

GS. Nguyễn Bá Đức cho biết, sử dụng phương pháp ghép tế bào gốc điều trị ung thư phải được chỉ định rất chặt chẽ. Bởi đây là phương pháp không chỉ tốn kém và rất nguy hiểm.

“Phương pháp này chẳng khác nào đưa bệnh nhân đến mức cận tử rồi kéo lại. Có những trường hợp thành công nhưng có những trường hợp không cứu vãn được”, GS Đức nói.

Theo ông, phương pháp ghép tế bào gốc chỉ chống được suy tủy nhưng tế bào ung thư vẫn quay trở lại phát triển, di căn do hóa chất không thể điều trị được tận gốc.

Vì vậy, GS-TS. Nguyễn Bá Đức khuyến cáo: “Đây là phương pháp rất nguy hiểm và tốn kém nên các bệnh nhân ung thư cần phải hiểu rõ, không tùy tiện lạm dụng để tránh “tiền mất, tật mang”.

Một vị GS khác đang công tác tại Bệnh viện K cũng cho biết, xét trên phương diện khoa học, công bố chữa khỏi bệnh ung thư giai đoạn cuối của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế là quá sớm. Bởi nếu bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, khả năng tái phát rất lớn, rất khó khỏi.

“Đến thời điểm này tôi vẫn chưa tin tế bào gốc mở ra một hướng điều trị tích cực, triệt bỏ tận gốc tế bào ung thư trên cơ thể thay vì chỉ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Do đó, rất khó thuyết phục giới chuyên môn về kết luận như vậy.”, bác sĩ cho biết.

Ông cũng khuyến cáo người dân không nên ngộ nhận về khả năng chữa khỏi bệnh ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc mà bỏ qua các quy trình điều trị kinh điển.


Nỗ lực đáng ghi nhận

Năm 2014, Hội đồng Khoa học Bệnh viện đã thông qua đề cương nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng”. Đề tài do PGS.TS.Nguyễn Duy Thăng làm Chủ nhiệm.

Đến nay, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế đã điều trị thành công ban đầu cho 4 bệnh nhân. Tuy nhiên, việc đánh giá kết quả điều trị cần có thời gian.

Tế bào gốc được sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế không phải phương pháp điều trị tiêu diệt tế bào ung thư. Đây chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị suy tủy sau liệu pháp hóa trị liều cao để diệt tế bào ung thư.

Đối với 4 bệnh nhân được điều trị thành công ban đầu tại BV Trung ương Huế, để đánh giá toàn bộ kết quả điều trị cần có thời gian, khoảng 5 năm. Hiện còn quá sớm và quá ít số liệu để đánh giá hiệu quả của một phương pháp điều trị. Tuy nhiên, đây là một nỗ lực đáng ghi nhận và chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều khả quan đối với phương pháp này.

(GS.TS. Bùi Hữu Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế)