Dân Việt

Sàn diễn nghệ thuật sôi động, sao công chúng vẫn ngó lơ?

06/03/2015 15:56 GMT+7
Tại cuộc tọa đàm "Nhà hát đồng hành cùng báo chí đến với công chúng” do Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức vừa qua, các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu và các nhà báo đã gợi ra một thực tế hiện nay đó là sân khấu không thiếu những tác phẩm có chất lượng, phong phú về thể loại, có thể đáp ứng nhiều đối tượng khán giả thế nhưng vì sao công chúng vẫn chưa mặn mà tìm đến. Câu hỏi được đặt ra, phải chăng giới truyền thông vẫn chưa thực sự đồng hành với nghệ sĩ và công chúng?

Hàng loạt những vở hài kịch, kịch nói, cải lương, chương trình chèo kết hợp rối nước đã ra mắt công chúng vào dịp đầu năm 2015. Tuy nhiên, nếu thống kê số lượng công chúng yêu thích, biết và nhớ đến các vở diễn này chắc chỉ là con số nhỏ. Vì sao các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ vẫn miệt mài với những sáng tạo nghệ thuật và có thể nói đã có không ít những vở diễn, những chương trình thật sự có chất lượng nhưng công chúng, những người hưởng thụ nghệ thuật lại không có nhiều người đến xem?

Chỉ cần nhìn vào hai nhà hát “anh cả đỏ” của sân khấu kịch đó là Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi Trẻ đều thấy rất rõ ban giám đốc và các nghệ sĩ đã có nhiều thay đổi trong tư duy dàn dựng và tổ chức biểu diễn. Các nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật của mỗi nhà hát đều bận túi bụi suốt cả năm với các chương trình, vở diễn từ hài kịch cho đến chính kịch, từ chương trình kết hợp với nghệ sĩ quốc tế cho tới những chương trình đặc biệt dành riêng cho thiếu nhi.

img

Một cảnh trong vở “Những chấn động còn lại” vừa ra mắt công chúng đầu năm 2015

Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch VN cho biết, trong 2 năm vừa qua, nhà hát đã có những bước tiến lớn về nghệ thuật bằng những vở diễn lớn, đề cập đến vấn đề bức thiết của xã hội như: Tai biến, Trong mưa dông thấy nắng, Những chấn động còn lại...

 Bên cạnh đó, phục dựng những vở diễn từng tạo thương hiệu cho nhà hát: Bệnh sĩ, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Nhân danh công lý... từ đó tìm lại hình ảnh của chính mình, để khán giả lại đến Nhà hát như những năm trước đây. Để kéo khán giả đến với sân khấu, các nhà hát không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, chất lượng tác phẩm mà còn bằng nhiều hình thức khác.

Chẳng hạn như đến với các vở diễn của Nhà hát Kịch VN, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng, nghe giọng nói thật của diễn viên, không qua hệ thống âm thanh. Biểu cảm của diễn viên được truyền trực tiếp đến với khán giả. “Chúng tôi đang cố gắng tạo ra văn hóa xem kịch bằng việc sau mỗi buổi diễn có khoảng thời gian giao lưu khán giả với nghệ sĩ. Trong thời gian này, khán giả có cơ hội bày tỏ cảm xúc của mình, nghệ sĩ có cơ hội tiếp cận ý kiến khán giả về diễn xuất của mình, tạo ra cảm hứng, sự yêu nghề cho nghệ sĩ”, ông Vinh nói.

Báo chí năm vừa qua liên tiếp đưa các tin về vở mới, chương trình mới của Nhà hát Tuổi Trẻ: Tham gia Liên hoan sân khấu nhỏ, dựng 2 chương trình sử thi, thực hiện dự án “Nhà hát truyền hình” và một loạt các vở diễn, chương trình mới được “ra lò” như: Ai là thủ phạm, Tấm gương, Xóm hóng...

img

Các nhà báo trao đổi tại cuộc tọa đàm

Cuộc tọa đàm đầu xuân gặp gỡ giữa những người làm nghề và những người làm công tác lý luận phê bình, công tác báo chí, Nhà hát Kịch VN mong muốn cùng tìm ra những phương thức mới trong tổ chức biểu diễn nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ giữa báo chí với sân khấu kịch, đưa nghệ thuật tiếp cận với đông đảo công chúng hiệu quả hơn nữa.

Với câu hỏi đặt ra là: “Tại sao khán giả ít đến xem kịch?”, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN cho rằng, nguyên nhân chính là do việc quảng bá sân khấu của chúng ta hiện nay còn kém, không được đầu tư bài bản, đồng bộ và nếu cứ để như vậy thì mãi vẫn chỉ như “áo gấm đi đêm” mà thôi. “Buồn hơn khi thấy các loại hình nghệ thuật khác như ca nhạc, thời trang, người đẹp... đều được truyền thông quan tâm bằng những chương trình gameshow truyền hình hấp dẫn, lôi cuốn khán giả, trong khi đó phải khẳng định sân khấu đang bị bỏ quên. Ngay như truyền thông trên báo chí cũng vậy, thông tin về các vở diễn dù chất lượng hay không cũng ít khi được bàn đến và nếu có cũng chỉ là những mẩu tin ngắn”, ông Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

Từ góc độ những người làm báo theo dõi nghệ thuật, nhà báo Phạm Tố Lan, nhà báo Nguyễn Quang Hưng, nhà báo Hằng Nga đều có chung nhận định rằng “có bột mới gột nên hồ”. Tác phẩm mới ra mắt phải có cái gì đấy để báo chí viết, lăng-xê.

Cuối cùng vẫn quay trở lại bài toán chất lượng. Báo chí không thể “tâng bốc” hay đưa tác phẩm nghệ thuật “lên mây” khi chất lượng không đúng với những lời quảng cáo. Mặt khác, không phủ nhận rằng nếu một chương trình tụ hội nhiều “ngôi sao” sẽ được bạn đọc và công chúng quan tâm nhiều hơn. Lợi thế của Nhà hát Kịch VN cũng như Nhà hát Tuổi Trẻ đó là có nhiều diễn viên được khán giả truyền hình biết đến và hâm mộ.

Nhà hát Kịch VN có NSND Lan Hương, NSƯT Trung Anh, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Tuấn Hải, Xuân Bắc… Nhà hát Tuổi Trẻ có các nghệ sĩ: NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Minh Hằng... Chỉ cần biết chương trình có tên những nghệ sĩ được mình yêu thích thì khán giả sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé. Nhà hát Kịch VN gần đây có những chính sách khuyến khích các nghệ sĩ ít nhiều được công chúng biết đến tham gia vào các dự án vì lợi ích chung. Đi kèm với một chiến dịch truyền thông cho mỗi dự án thay vì cứ “im lặng mà làm” như trước đây là hướng đi đáng ghi nhận.

Với định hướng xây dựng tính chuyên nghiệp của sân khấu bằng các chương trình có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng khán giả, có lẽ điều mà lãnh đạo Nhà hát Kịch VN cũng như các đơn vị nghệ thuật khác mong mỏi đó là các phương tiện thông tin đại chúng cần dành nhiều thời lượng hơn cho sân khấu thay vì đưa những tin ngắn gọn như đưa ra nhiều chương trình, nhiều bài viết phân tích, trao đổi giữa công chúng và nghệ sĩ trước những tác phẩm tạo dư luận khen chê để giúp người nghệ sĩ có cơ hội nhìn lại những sáng tạo cũng như quảng bá tác phẩm.