Dân Việt

Những học trò nghèo bên đầm Ô Loan

Hùng Phiên 07/03/2015 07:50 GMT+7
Hoàn cảnh cùng cực vẫn không ngăn được đam mê hiếu học của những học trò quê nghèo. PV NTNN đã gặp 3 trò nghèo “tiêu biểu” ở Trường THCS xã An Cư, huyện Tuy An (Phú Yên), ngôi trường nằm cạnh thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan…

Học trong bệnh hiểm

Giữa năm 2014, Hồ Thị Hồng Hạnh (13 tuổi, lớp 7B) phải tạm nghỉ học để vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Tiếp đó là liên tục những đợt tàu xe hàng trăm cây số để tiếp tục xạ trị. Cha mất sớm, mẹ và anh trai phải đi làm thuê nhiều việc để trang trải gia đình, lo chạy chữa cho Hạnh. Hiện em đang tá túc nhà người dì ruột để tiện việc đến trường. Liên tục nghỉ học dài ngày để chữa bệnh, vậy mà cô bé vẫn không “đuối” trong việc học và luôn đạt học lực giỏi.

img
Em Hồ Thị Hồng Hạnh (phải) và thầy giáo Trần Thiếu Văn. (H.P)

Thầy Trần Thiếu Văn (Tổng phụ trách Đội của Trường THCS An Cư) cho biết, gia đình đã phải huy động vay mượn hàng trăm triệu đồng để chạy chữa cho Hạnh. Học sinh trong trường cũng vừa quyên góp được 3,3 triệu đồng “giúp bạn nghèo”. “Sức khỏe của Hạnh bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc thang. Hoàn cảnh gia đình em hết sức túng quẫn. Nếu có chương trình giúp đỡ từ thiện gì, nhà trường đều ưu tiên dành cho em để vơi bớt nỗi nhọc nhằn…” -thầy Văn nói.

Cô bé “đẹt lét”

12 tuổi, học lớp 6 nhưng cô bé Bùi Thị Dạ Thảo trông như trẻ lớp 2, mặc dù nét mặt lớn trước tuổi. Bà ngoại em là Nguyễn Thị Quý cho hay, Thảo bị suy dinh dưỡng từ nhỏ và “không hiểu mắc bệnh gì”. Cuộc sống cơ hàn, người cha bỏ nhà ra đi, hai chị em Thảo chỉ còn người mẹ đau yếu. Mẹ Thảo đi làm thuê dài ngày ở Cam Ranh (Khánh Hòa), vì bệnh tật nên cũng không giúp được nhiều cho con. Chị em Thảo hiện sống với bà ngoại già yếu, bệnh tật triền miên…

Theo thầy cô ở Trường An Cư, bé Thảo rất ham học, bữa đói bữa no nhưng sức học rất khá. Thảo được đến trường là nhờ sự cố gắng vô bờ của bà ngoại. Thế nhưng bà Quý nói: “Tôi luôn cố mò cua bắt ốc để nuôi cháu nhưng sức yếu quá rồi, giờ ai cho gì ăn nấy, chẳng biết chị em con Thảo được đi học đến lúc nào…”.

Cậu bé mồ côi

Phạm Ngọc Luân (lớp 6B) ra đời không biết mặt cha, còn mẹ thì bỏ đi biệt xứ từ lúc em hơn một tuổi. Ngoài việc được miễn học phí, Luân đang nhận chính sách trẻ mồ côi, 180.000 đồng/tháng. Cụ Phạm Nét (79 tuổi, ông nội Luân) cho hay, vợ chồng ông đều đã lưng còng, tay mỏi nhưng đều ráng bám đầm kiếm tôm tép để nuôi cháu ăn học. Luân dù bé nhưng đã phải mò ốc để phụ giúp ông lo cho cuộc sống gia đình.

“Chớ mà lúc này người nuôi tôm xả thải làm đầm Ô Loan bị ô nhiễm nặng, cua cá cũng khan hiếm dần. Vợ chồng già tui thương cháu lắm nhưng làm sao lo đủ cho nó ăn học. Thôi thì được đến đâu hay đến đó…”- cụ Nét thở hắt.

“Hoàn cảnh của các trò Hạnh, Thảo, Luân phải nói là tận cùng bi đát. Các em vẫn được đến trường là một sự ngạc nhiên đáng khâm phục. Ở vùng này, người dân sống dựa vào cua cá ở đầm, cuộc sống luôn khó khăn. Gia đình các em này lại bệnh đau, gia cảnh mồ côi nên lại càng túng khổ, không thể có chiếc xe đạp để đi học đường xa. Rất mong những tấm lòng hảo tâm hãy giúp đỡ các em vượt qua số phận” - thầy giáo Trần Thiếu Văn - Trường THCS An Cư bày tỏ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi Báo NTNN, 13 Thụy Khuê, Hà Nội, tài khoản 1506311002117 Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội.
Sau bài “Những học trò nghèo bên đầm Ô Loan”:

Một doanh nhân tặng 3 triệu đồng

Đại diện Trường THCS An Cư (huyện Tuy An, Phú Yên) đã trao 3 triệu đồng là quà của ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thiên Bút (TP.Hồ Chí Minh) tặng 3 học sinh mồ côi của trường (mỗi em 1 triệu đồng).
img
Từ phải sang: Đại diện Trường THCS An Cư đang trao tiền cho các em Hạnh, Thảo, Luân. (ảnh: Hùng Phiên)
Đó là các em Hồ Thị Hồng Hạnh (lớp 7B), Bùi Thị Dạ Thảo (lớp 6B) và Phạm Ngọc Luân (lớp 6B) - 3 nhân vật trong bài “Những học trò nghèo bên đầm Ô Loan” (Báo NTNN ngày 7.3.2015).

“Tôi rất xúc động trước gia cảnh ngặt nghèo nhưng các em vẫn hiếu học. Mong các em vững bước đến trường”, ông Phong nói.     
 
(Hùng Phiên)