Có ý kiến cho rằng vì chúng ta quá “rộng cửa” với việc phục dựng các lễ hội, trong đó nhiều lễ hội còn có cả những hủ tục, nghi lễ không còn phù hợp nên mới dẫn đến cảnh lộn xộn vừa qua. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Chúng ta đang ở trong xu hướng “di sản hóa”, một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước đang phát triển và thậm chí cả một số nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc. Ở các nước này, họ tận dụng xu hướng này để khuếch trương giá trị di sản, sử dụng di sản như một phần của xã hội đương đại, rất chú trọng khía cạnh thương mại và kinh tế của các di sản phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có ngành du lịch. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.
Có nhà nghiên cứu nói rằng, lễ hội các cụ để lại còn đến hôm nay là chuẩn mực, chúng ta chỉ việc bê nguyên ra mà làm là ổn. Hơn nữa không nên “Nhà nước hóa” lễ hội và phải đề cao vai trò của cộng đồng dân cư. Ông đồng tình với ý kiến này không?
- Tôi thấy nhiều địa phương khi phục dựng quá nhấn mạnh vào yếu tố gốc mà quên rằng, di sản ấy phải được sử dụng như thế nào trong xã hội hiện đại cho phù hợp. Trong thế giới di sản, có cái bảo tồn nguyên gốc, có cái phải thay đổi. Làm gì còn lễ hội nào như xưa nữa đâu. Xưa lễ hội chỉ dành cho người già khi tham gia việc làng hoặc nam giới trong làng, phụ nữ cấm bén mảng.
Còn truyền thông hơi ngộ nhận khi cứ mãi tiếc nuối truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Xin nói rằng, lễ hội cũng đầy rẫy hủ tục. Có cái nguyên gốc hủ tục, có cái trong bối cảnh mới không còn phù hợp nên bỗng thành hủ tục. Như chém lợn chẳng hạn. Bản thân hành động này là hiến sinh, nhưng giờ nhìn cảnh đó ai cũng sợ.
Tôi không cổ súy chuyện cái gì Nhà nước cũng phải đứng ra chủ trì nhưng cũng không thống nhất việc phó mặc cho cộng đồng. Bây giờ hội hè còn phải đảm bảo an toàn giao thông trật tự, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm… Nhà nước không quản lý thì cộng đồng làm sao làm nổi. Nên cái chính là chúng ta vẫn cần tìm ra mô hình quản lý phù hợp, dựa trên những phân tích rõ bản chất chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của lễ hội hiện nay, làm cơ sở lý luận cho việc quản lý lễ hội hiện nay.
Vậy theo ông, chúng ta nên làm gì, nên điều chỉnh thế nào để những nghi lễ, thủ tục có vẻ dã man trong các lễ hội trở nên chấp nhận được trong đời sống hiện đại hôm nay?
- Bản thân giá trị văn hóa truyền thống bị xã hội đương đại thách thức và nó phải điều chỉnh nhằm phù hợp với điều kiện và bối cảnh xã hội mới. Lễ hội Cầu trâu ở Phú Thọ thì nên bỏ đi những yếu tố không phù hợp vì nó gây ra một hình ảnh man rợ quá. Còn chém lợn, ví dụ có thể quây kín lại, thực hành nghi lễ kín đáo, như thế vừa không có hình ảnh chết chóc, vừa thiêng hóa, như ý kiến của PGS-TS Bùi Quang Thắng về việc có thể dùng đồ mã để thực hành. Nhưng khi xã hội văn minh, nghi lễ này buộc phải thay đổi về hình thức biểu hiện.
Còn chuyện cướp lộc, cướp ấn, cướp giò hoa tre, cướp phết, theo ông nên xử lý thế nào để bớt yếu tố bạo lực đi?
- “Cướp” là từ hiện đại còn xưa thì các cụ chỉ dùng từ “tranh”. Hội làng trước đây chỉ có người lớn tuổi và đàn ông được tham gia. Tham gia việc làng là phải chín chắn, họ có tranh cũng rất nề nếp, quy củ, trật tự bởi khi đi hội họ luôn nhớ trong lòng một chữ: “Kính”. Giờ thì toàn thanh niên choai choai đi hội, tâm lý có kính ai đâu. Ăn thua đủ, miễn là “tao phải hơn mày, làng tao hơn làng mày”.
Hành vi ẩu đả ở lễ hội là điều không chấp nhận được. Bởi thế chúng ta rất cần điều chỉnh. Làm gì có thứ văn hóa nào vụt nhau đến tóe máu ra đâu. Tôi chỉ là một người nghiên cứu, không thể khẳng định rằng có nên bỏ những nghi lễ dễ dẫn đến bạo lực đó đi hay không, tuy nhiên tôi nghĩ rất cần nghiên cứu để điều chỉnh. Như ở hội Gióng, cần nghiên cứu rõ hình thức rước giò hoa tre cho phù hợp, thì sẽ không có cảnh bạo lực, đánh nhau chảy máu. Đó cũng là điều rất nên suy nghĩ và bàn bạc với cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!