Nghệ sĩ đa tài
Phòng tranh “Đi vẽ phong cảnh Mỹ” của Trịnh Lữ được ra mắt bởi sự cố vấn của Tiến sỹ Vật lý Phạm Long, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương và Phạm Trung. Ban đầu, Trịnh Lữ định bày 20 bức trong phạm vi hẹp nhưng sau khi xem xong, tổ tư vấn đã góp ý ông nên bày càng nhiều càng tốt và cuối cùng số tranh đã lên tới con số 67 bức tranh sơn dầu trực họa vẽ phong cảnh tiểu bang Wisconsin. Động lực để Trịnh Lữ quyết định mở phòng tranh này không bị thôi thúc bởi việc bán tranh. Trước kia, ông rất ngần ngại việc lấy nhật ký của mình trong mỗi chuyến du hành cùng hội họa để bày tỏ với mọi người.
Nhưng đến bây giờ, Trịnh Lữ thấy mình đã đúng khi vừa bày tranh vừa in sách, những câu chuyện nho nhỏ xoay quanh cuộc độc hành với chiếc xe đạp và bảng vẽ. Dù những câu chuyện của ông hoàn toàn mang tính cá nhân nhưng lại được làm bằng cả tấm lòng chân thành, tỉ mỉ và chu đáo nên sẽ có ý nghĩa khi được chia sẻ với độc giả, với những ai quan tâm tới hội họa, nghệ thuật và xã hội.
Công việc vẽ tranh hay dịch sách đều rất gần gũi với Trịnh Lữ. Dù làm công việc nào, ông đều đề cao yếu tố trung thực. Đọc một đoạn văn giống như đứng trước cảnh đẹp, để biểu đạt hết vẻ đẹp của câu từ hay phong cảnh đều cần tới sự trung thực của cảm xúc và cái nhìn. Điều này được ông tuân thủ khi đứng trước phong cảnh và vẽ trực họa. Sự ảnh hưởng của Tây Âu trong phong cách vẽ tranh của Trịnh Lữ là điều không thể phủ nhận. Ban đầu, ông chịu sự chi phối của trường phái Ấn tượng nhưng dần dà, Trịnh Lữ thoát dần ra khỏi tầm ảnh hưởng và chạy theo mối giao hòa giữa tác giả và thiên nhiên.
Ông để mặc cảm xúc dẫn đường cho những đường nét và màu sắc. 100 ngày đạp xe dọc tiểu bang Wisconsin (Mỹ) để vẽ tranh của Trịnh Lữ đã khép lại bằng triển lãm vừa ra mắt và cuốn sách đã nằm trong tay của nhiều độc giả. Với từng ấy công việc đã hoàn thành nhưng Trịnh Lữ vẫn tiếc nuối. Ông tiếc vì khả năng diễn tả và biểu cảm của mình không đủ sức lột tả đầy đủ vẻ đẹp thiên nhiên.