Dân Việt

Đi thi chui nhan sắc: Vì sao bất chấp quy định cấm?

09/03/2015 08:57 GMT+7
Việc bỏ ra vài chục triệu đồng để nộp phạt không thấm vào đâu so với những hợp đồng quảng cáo kếch xù có được khi họ bước vào showbiz và làm nổi theo kiểu “tai tiếng”.

Thông tin Nguyễn Văn Sơn, thi chui cuộc thi Mister Global 2015 diễn ra tại Thái Lan và giành vị trí quán quân trong đêm chung kết tối 7.3 lan tỏa nhanh chóng trên các diễn đàn, trang mạng. Điều này làm dấy lên lo ngại về trào lưu bất chấp tất cả để gây chú ý, thách thức án phạt từ cơ quan chức năng để tham gia các cuộc thi nhan sắc, thời trang tổ chức ở nước ngoài. 

Nguyễn Văn Sơn cao 1m92, 21 tuổi, thể hình đẹp, là vận động viên quốc gia môn Taekwondo, từng giành 15 huy chương tại các cuộc thi. Gần đây, Văn Sơn được nhắc đến không phải thành tích thể thao mà đột ngột tham gia cuộc thi Mister Global 2015 tranh tài về nhan sắc dành cho nam giới. Đặc biệt, anh tham gia cuộc thi này như một đại diện Việt Nam nhưng chưa có sự cho phép từ cơ quan chức năng mà cụ thể là từ Cục nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Hẳn nhiên, thí sinh này biết rõ mình “phạm luật” sẽ đối mặt với án phạt hành chính và danh hiệu dù có đạt được cũng không được công nhận trong nước. Tuy nhiên, Văn Sơn “biết luật vẫn cố tình phạm luật” và vẫn ở Thái Lan tham gia hết các vòng thi.

img

Văn Sơn đăng quang đêm chung kết Mister Global 2015 diễn ra tại Thái Lan

img

Dẫu vậy, anh vẫn là thí sinh "thi chui" vì chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng

Chuyện anh gặt hái được giải thưởng cao không thể bao biện cho hành vi vi phạm rõ ràng quy định của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều đáng nói là Văn Sơn không phải người đầu tiên “thi chui” mà gần đây rất nhiều người mẫu nam lẫn nữ đều không ít lần bất chấp sự vi phạm pháp luật chấp nhận “thi chui”. Trong đó có người mẫu Hữu Vi từng tham dự Mister Global giành Á vương 3 cùng giải phụ Nam vương Ảnh nhưng danh hiệu này không được công nhận trong nước.

img

Trước Văn Sơn, nhiều người đẹp khác cả nam lẫn nữ cũng bất chấp án phạt và thi mà không xin phép

img

Văn Sơn đối mặt án phạt khi về nước

Cao Thùy Linh tham gia cuộc thi Miss Grand International 2014 tại Thái Lan mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Sau khi trở về, cô đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM giải trình sự việc và chịu mức phạt hành chính 22, 5 triệu đồng. Cùng với Cao Thùy Linh, người mẫu Huỳnh Thúy Anh cũng đã bị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM phạt 22,5 triệu đồng do tự ý tham dự cuộc thi "Hoa hậu cộng đồng người Việt" tại Mỹ hồi tháng 8-2014. Ông bầu hai người đẹp này bị sở ra án phạt 40 triệu đồng. Ngày 22-1-2014, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với Phan Hoàng Thu vì thi hoa hậu “chui” tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế tổ chức tháng 12-2013 tại Malaysia… và còn nhiều nhan sắc khác cũng quyết định bất chấp sự chỉ trích và án phạt mà “thi chui”.

Họ có biết như thế là phạm luật và phải chịu phạt? Hẳn nhiên là biết vì luật ban hành đã có từ lâu và mức phạt cũng rõ ràng. Bất cứ hành động vi phạm nào cũng phải chịu phạt. Tại sao họ lại bất chấp bị phạt vẫn đi thi? Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi rõ ràng hình phạt đã có, mức phạt cũng được phổ biến nhưng nhiều người bất chấp tất cả đi thi rồi về chịu phạt sau. Nhiều bình luận từ cộng đồng mạng cho rằng tiền phạt quá thấp so với cái “được” dù theo hướng tiêu cực của những nhan sắc này.

Bởi dù muốn dù không, ngay khi đoạt giải, thông tin, hình ảnh của những người “thi chui” này cũng được các báo mạng đăng tải, các diễn đàn bình luận. Thêm vào đó, khi cơ quan chức năng xử phạt hành chính, các báo chính thống cũng phải đăng tải thông tin này và một lần nữa tên của họ lại được nhắc đến. Bất luận ủng hộ hay chỉ trích, khen ngợi hay chê bai, họ cũng đạt được mục đích của mình là gây chú ý và nổi tiếng.

Việc bỏ ra vài chục triệu đồng để nộp phạt không thấm vào đâu so với những hợp đồng quảng cáo kếch xù có được khi họ bước vào showbiz và làm nổi theo kiểu “tai tiếng”.

Mối lợi lớn phía sau khiến nhiều nhan sắc chấp nhận “cố đấm ăn xôi”, “điếc không sợ súng” tái diễn cảnh “thi chui”. Có ý kiến cho rằng để dập tắt “mốt” tiến thân tai tiếng này, có lẽ cơ quan quản lý phải quyết liệt hơn nữa, phạt thế nào để răn đe cao nhất, giữ vững sự nghiêm minh của pháp luật.