Đó là thời điểm tháng 10.2004, năm thứ 20 sau ngày anh lập gia đình và đã có 2 con. Cùng năm, gia đình anh “được” thôn bình xét vào diện hộ nghèo.
Đàn dê của anh Tâm.
Bước đầu chưa có vốn, anh vay người thân 5,5 triệu đồng mua được 2 cặp dê mẹ đã có chửa; nhận nuôi rẽ (chia đôi lợi nhuận, người có bò, người có công) 2 cặp bò sinh sản. Cùng với thả dê, thả bò, anh kết hợp làm đất trồng ngô, trồng sắn, nuôi gà, vịt, nuôi cá, từng bước chủ động thức ăn, lương thực cho gia đình.
Năm 2005, tức 1 năm sau khi lên núi, do vẫn thuộc diện hộ nghèo, anh Tâm được hỗ trợ 1 con bò đực giống, anh đem phối giống bò lai cho đàn bò trong xã, và nuôi thêm bò đẻ để nhân tổng đàn và nuôi bò thịt. Khi bò, dê sinh con cái, anh để lại phát triển đàn, nếu là con đực anh nuôi bán thịt, đồng thời mua thêm dê cái, trâu cái để đảm bảo số con đực giống hợp lý cho cả dê, trâu và bò.
Sau hơn 10 năm lăn lộn chịu khó, anh khai thác được gần 200ha khu núi Pu Mới để phát triển kinh tế trang trại, đến cuối năm 2014, tổng đàn vật nuôi của gia đình anh có 250 con dê, 65 con bò và 11 con trâu. Mỗi năm, anh bán 4-5 con trâu, bò thịt, thu về khoảng 100-120 triệu đồng; dê bán ra 30-35 con (tổng trọng lượng khoảng 680-700kg), cộng thêm khoản thu từ cá, gà, vịt trên núi, anh có thêm gần 120 triệu đồng.
Đến nay, tổng giá trị trang trại của anh trên 1,5 tỷ đồng, ngoài ra vợ con anh còn làm 5 sào ruộng, nuôi 3 con bò, 500m2 ao cá, cho thu nhập thêm khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Gia đình anh đã truyền kinh nghiệm cho các hộ khác làm theo, đến nay đã có 8 hộ khác phát triển kinh tế trang trại trên khu núi Pu Mới, góp phần tăng số trang trại vừa và nhỏ cả xã lên 33. Từ chỗ hộ nghèo, sau 10 năm, anh Tâm đã trở thành nông dân giỏi, con anh giờ đã vào đại học.