“Giết con chim nhại” là một trong những tác phẩm dành cho tuổi hoa niên thực sự đầu tiên
“Giết con chim nhại” là cuốn tiểu thuyết rất được yêu chuộng, thuộc loại bán chạy nhất thế giới với hơn 10 triệu bản. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1960 và đã giành được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1961. Cho tới nay, cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm được xuất bản duy nhất của nữ nhà văn Harper Lee.
Sau hơn 50 năm, việc nữ tác giả từng đoạt giải Pulitzer Harper Lee tuyên bố bà xuất bản cuốn tiểu thuyết “Go set a watchman”, phần kế tiếp của “Giết con chim nhại” đã gây chấn động, là minh chứng cho tình cảm của công chúng và khẳng định lại vị trí của bà trong làng văn học Mỹ.
Năm 1991, một cuộc khảo sát độc giả ở Mỹ để xác định những cuốn sách đã “làm thay đổi cuộc sống” của một người nào đó cho kết quả thú vị. Cùng với các tác phẩm của Shakespeare và Twain, “Giết con chim nhại” vẫn là một trong những cuốn sách phổ biến nhất, được phổ biến ở khoảng 70% các trường công ở Mỹ.
Cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại” cũng nhận nhiều bình phẩm gay gắt, có một số nhà phê bình cho rằng câu chuyện không chân thực, rằng cốt chuyện như vậy được kể qua giọng một đứa trẻ là điều “không thể”, cuốn sách đã viết theo giọng văn của một người trưởng thành có giáo dục, và không thể có một đứa trẻ như Scout có thể tồn tại thực trong thế giới.
Nhưng đó chính xác là những gì tạo nên sự duyên dáng và giúp quyến rũ những người trẻ tuổi đọc cuốn tiểu thuyết.
“Giết con chim nhại” là đại diện tiêu biểu cho dòng văn học tuổi hoa niên, là một loại hình văn học có tính giáo dục và định hướng cao dành cho giới trẻ. Mức tuổi mà văn học hoa niên nhắm đến là từ 14 đến 21 tuổi, là lứa tuổi con người hình thành nhân cách và có những biến chuyển mạnh mẽ về mặt tâm lý.
Văn học tuổi hoa niên là một phương tiện hữu hiệu để đẩy mạnh văn hóa đọc của lứa tuổi hoa niên. Đồng thời, những hình tượng nhân vật được xây dựng ở tuổi hoa niên phản ánh qua những câu chuyện có thể ảnh hưởng lớn đến nhân cách của người đọc ở cùng độ tuổi.
Qua phỏng vấn, Gaby Hick, sinh viên năm thứ ngành văn học Anh tại Đại học Brown, Mỹ gọi “Giết con chim nhại là một trong những cuốn sách đầu tiên mà trẻ em và người lớn nên đọc”. Gaby cho biết thêm: “Giết con chim nhại có thể là cuốn tiểu thuyết dòng văn học tuổi hoa niên thực sự đầu tiên vì cung cấp cho người trẻ một ống kính quen thuộc và thông qua đó để nắm bắt các khái niệm về phân biệt chủng tộc, tâm lý học… mà không cảm thấy quá trừu tượng.
Nhà phê bình Thomas Mallon cho rằng cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại” là một công cụ giảng dạy đạo đức tuyệt vời cho các thanh thiếu niên mới lớn.
Văn chương của “Giết con chim nhại” không có sự mơ hồ. Will Serratelli, sinh viên ngành văn học tại Đại học Brown nói: “Những bài học đạo đức cứng nhắc, khô khan không xuất hiện trong cuốn sách nhưng nó giúp mở ra những lối suy nghĩ mới. Trước khi tôi đọc Giết con chim nhại, giáo viên tiếng Anh của tôi luôn luôn hỏi: “em có cảm tình với nhân vật nào? em có thích nhân vật? Tôi nghĩ khi bạn đưa cho đứa trẻ một cuốn sách, những câu hỏi đó thậm chí không cần phải hỏi, một cuốn sách như Giết con chim nhại sẽ hướng họ nghiên cứu sâu hơn”.
Cuốn sách “Giết con chim nhại” được chứng minh theo thời gian mang đến cho khán giả những cảm nhận sâu sắc, là một kiệt tác văn học xuất sắc vượt thời gian.