Ngay từ khi ra mắt phần một vào năm 1997, bộ truyện đã gây tiếng vang và ngày càng nổi tiếng, được giới phê bình hoan nghênh và rất thành công về mặt thương mại. Bộ truyện được chuyển thể thành phim, trò chơi và các loại mặt hàng liên quan. Thành công của bộ truyện một phần là nhờ sự lan truyền giữa những độc giả, đặc biệt là trẻ em. Bộ truyện Harry Potter trở thành bộ truyện được những độc giả trẻ mong đợi nhất thời đại.
Chính vì mỗi cuốn sách đều rất được các độc giả mong chờ, nên nữ nhà văn JK Rowling và nhà xuất bản rất vất vả để đảm bảo bí mật câu chuyện cho đến ngày ra mắt. Do đó, đằng sau mỗi một tập truyện Harry Potter là những câu chuyện đầy thú vị về cách mà tác giả và đội ngũ biên tập của mình sử dụng để bảo vệ cho “đứa con cưng”.
Các độc giả nhí xếp hàng chờ mua cuốn Harry Potter mới ngoài nhà sách ở London năm 1999.
Nữ biên tập viên Emma Matthewson cho biết cô chỉ được làm việc với một chiếc máy tính đã cắt internet để đảm bảo hacker không thể lùng ra các tập tin của mình. Ngôi nhà mà cả nhóm biên tập cùng làm việc cũng có hệ thống an ninh và bảo vệ nghiêm ngặt.
Vào thời điểm cuốn tiểu thuyết thứ bảy cũng là cuốn sách cuối cùng là “Harry Potter và bảo bối tử thần” (Harry Potter and the Deathly Hallows) được hoàn thành, sự tò mò về nội dung câu chuyện của độc giả trên toàn thế giới đã lên đến mức đỉnh điểm, các bản thảo được săn lùng ráo riết, do đó mà nữ nhà văn JK Rowling và nhà xuất bản phải phát minh ra tên giả cho từng tập tin truyện.
Bản thảo đầu tiên được đặt mã tên là "Edinburgh Potters", một cái tên được cho là rất ngu si đần độn để không ai có suy nghĩ tìm đọc nó.
Các bản thảo khác lần lượt được đặt các mã tên như "The Life and Times of Clara Rose Lovett". Philip Errington, người đặt tên cho các thư mục phải tìm kiếm những cái tên khô khan nhất đặt cho phụ đề của thư mực.
Tác giả, các biên tập viên, chuyên gia xây dựng bản thảo đều phải được cấp quyền truy cập mới có thể xem nội dung câu chuyện.
Trong buổi phỏng vấn các nhân viên nhà xuất bản Bloomsbury (Anh) để có thêm nhiều thông tin chi tiết hơn về quá trình xuất bản các tác phẩm của bộ truyện Harry Potter, một nhân viên đã mô tả cách thức mà bản thảo cuốn “Harry Potter và mệnh lệnh phượng hoàng” đã hoàn thành được canh gác cẩn thận đến mức nào. Giám đốc điều hành của nhà xuất bản Bloomsbury Nigel Newton luôn phải lái xe trong tình trạng cảnh giác cao độ khi mang theo bản thảo, luôn phải lưu ý bản thân không nói gì về Harry Potter. Ông thậm chí phải giấu nó dưới gầm giường tránh sự hiếu kỳ của vợ và 3 đứa con vốn là fan hâm mộ lớn của bộ truyện.
Hậu trường quanh quá trình viết lách của JK Rowling và những trao đổi giữa bà với biên tập viên được kể lại một cách chân thực trong ấn phẩm mới là cuốn “JK Rowling: A Bibliography 1997-2013” vừa ra mắt, cuốn sách hé lộ những căng thẳng của JK Rowling trong quá trình viết bộ truyện phù thủy cũng như cung cấp nhiều thông tin "hậu trường" về tác phẩm nổi tiếng
Cuốn sách là tác phẩm hoàn chỉnh, toàn diện và hệ thống nhất từ trước đến nay, giúp độc giả hiểu được quá trình “thai nghén” 7 tập truyện Harry Potter của nữ nhà văn Anh và làm sao Harry Potter có thể cất cánh bay vào làng văn học.