Người Việt giỏi toán: có thật vậy không?
Đặt vấn đề có chắc người Việt giỏi toán hay không chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi vì có thể nó sẽ đi ngược lại quan điểm của đa số chúng ta với mặc định rằng: người Việt giỏi Toán hay ít nhất là có năng lực và tiềm năng học Toán?
Theo tôi đây không chỉ là một định kiến mà còn là một sự huyễn hoặc nguy hiểm.
Chúng ta đều biết trong bảng xếp hạng về các đóng góp của các nước trên thế giới vào khoa học và công nghệ thì Việt Nam luôn xếp ở nhóm cuối.
Trong các cuộc tiếp xúc với các nhà khoa học hàng đầu thế giới chúng tôi đã không ngần ngại hỏi họ nhận định thế nào về vị trí của Việt Nam trên bản đồ khoa học và toán học của thế giới và đây là đánh giá của họ:
Về khoa học: chúng ta là số 0 tròn trĩnh.
Về Toán học: chúng ta là một chấm rất nhỏ.
Chúng tôi không hề ngạc nhiên về đánh giá này. Ở đây chúng tôi thậm chí còn đưa vấn đề đi xa hơn không chỉ với việc đề cập người Việt không giỏi Toán mà còn nói tới việc liệu có phải chúng ta thực sự có đam mê dành cho Toán học hay không?
Cho đến nay, GS Ngô Bảo Châu là người Việt duy nhất theo đuổi nghiệp Toán học và đạt được đỉnh cao. Ảnh AP
Câu chuyện ở những kỳ thi Toán quốc tế
Chúng ta hay viện dẫn câu chuyện thành công của học sinh Việt Nam trong các kì thi toán quốc tế để chứng minh cho năng lực học toán ở đẳng cấp thế giới của người Việt. Đấy là do cách truyền thông của ta mà thôi. Sự thật là :
1. Kỳ thi toán quốc tế IMO chỉ là một cuộc chơi vui vẻ theo đúng nghĩa của nó. Các nước cử đội tuyển tham dự kì thi này theo tiêu chí vui là chính và hoàn toàn không coi đây là sứ mạng mang về vinh dự quốc gia hay giúp nước đó khẳng định vị thế của họ trên bản đồ toán học thế giới. Sẽ thật là sai lầm nếu qua một cái game dành cho học sinh như vậy mà khẳng định Việt Nam là một cường quốc toán học hay phấn đấu trở thành cường quốc toán học như lời phát biểu của một cựu bộ trưởng.
2. IMO là kì thi dành cho học sinh phổ thông. Không thể dùng một kì thi dành cho học sinh để nói rằng thành tích của nó cũng đúng với sinh viên toán hay các nhà toán học.
3. Cách thức tham dự và chuẩn bị của ta cho IMO không phản ánh năng lực toán học của học sinh Việt.
Chúng ta có hệ thống tuyển chọn chuyên toán trên toàn quốc và luyện gà nòi và gà chọi suốt phổ thông để phục vụ cho cái đích cuối cùng là IMO. Các nước khác không như vậy. Họ không có kiểu luyện gà nòi suốt phổ thông và sàng lọc dã chiến như ta. Công tác lập đội tuyển từ địa phương là rất mở cho mọi đối tượng và việc tập trung đội tuyển chỉ rất ngắn ngủi trước khi kì thi diễn ra. Tất nhiên ở đây không loại trường hợp có các nước cũng luyện gà chọi lâu năm như ta.
Và như vậy việc đạt giải cao nhờ học cày bừa và luyện lâu năm chưa thể khẳng định là giỏi hơn việc không đạt giải cao bằng mà học và luyện ít hơn.
Lấy thêm ví dụ thi SAT ở Việt Nam và Trung Quốc để minh họa cho việc này: học sinh Việt Nam và Trung Quốc dành khoảng 2-3 năm cày bừa và luyện tủ theo tips hay đề cũ của SAT và kết quả rất cao ở mức trên 2300/2400. Học sinh Mỹ hiếm có số điểm như vậy vì họ không luyện SAT mà chỉ làm bài tập theo kiểu làm quen với dạng bài để tránh bỡ ngỡ không cần thiết mà có thể gây mất thời gian khi thi thật. Và ta không thể nói là học sinh Việt Nam và Trung Quốc giỏi tiếng Anh hơn học sinh Mỹ được.
4. Trong suốt mấy chục năm tham gia IMO chúng ta có tới mấy trăm học sinh đạt giải. Theo quan điểm của người Việt và truyền thông của ta thì đây đều là các tài năng toán học. Nhưng chúng ta cần biết rằng trong số này chỉ có một lượng rất nhỏ là đi theo toán và không phải ai cũng gặt hái thành công như GS Ngô Bảo Châu. Có nhiều người học toán và dạy toán nhưng rất ít làm công tác nghiên cứu toán và càng ít có đóng góp cho toán học qua nghiên cứu.
Dạy toán vì thế khác xa với việc trở thành nhà Toán Học.
Chúng ta có thể/nên làm gì?
Các chính sách của ta dường như đã dành hết mọi nỗ lực vào công tác luyện toán phổ thông mà không phát triển các bộ phận thực ra mới là cấu thành của một nền toán học. Đó là:
1. Hệ thống đào tạo toán học từ bậc ĐH trở lên.
2. Mạng lưới những nhà nghiên cứu và làm toán học. Mạng lưới này cần hoạt động hiệu quả về kết quả nghiên cứu và có kết nối với nền toán học thế giới.
3. Phát triển toán ứng dụng. Toán học cần được đưa vào cuộc sống đặc biệt là qua khoa học và công nghệ.
Thay đổi cách tiếp cận:
Việc ưu ái và tập trung vào môn toán quá mức như ở ta đã dẫn đến bỏ bê các vấn đề kiến thức và môn học xã hội như một hệ lụy. Chúng ta tiếp cận với giáo dục trẻ em rất mất cân bằng như sau:
1. Tập trung phát triển não bộ bên phải. Não trái đã không được tận dụng và phát huy. Giáo dục tập trung vào nhồi kiến thức mà không đánh thức cảm xúc và sự sáng tạo.
2. Mặc nhiên coi toán là một cách thức hay cứu cánh để phát triển tư duy. Chúng ta thường viện dẫn các cá nhân học Toán thành công trong các lĩnh vực để ngụy biện cho sự cần thiết phải học toán để có tư duy. Nếu nền giáo dục của ta làm được việc dạy tư duy qua kiến thức của tất cả các môn hay lĩnh vực khác chứ không chỉ là qua toán học thì câu chuyện đã khác nhiều.
Ngày nay nhiều học sinh vẫn đổ xô đi học toán để chạy đua vào trường chuyên lớp chọn. Đích ngắm là trường chuyên chứ chưa phải vì đam mê. Các bố mẹ đã tỉnh hơn nhưng cũng thực dụng hơn. Họ cho con đi học toán chỉ vì nó là một môn thi vào trường chuyên và nếu môn thi này chuyển sang cái khác thì họ cũng sẽ gạt môn toán sang một bên, không thương tiếc.
Rất cần phát triển ngành toán học đặc biệt là các ngành toán cao cấp và toán ứng dụng chứ không chỉ tập trung vào toán học ở bậc phổ thông như hiện nay. Đồng thời cũng cần tìm ra phương cách chọn được các tài năng đích thực của toán học, đến với toán bằng đam mê chứ không phải các tính toán thực dụng.