Ông Lưu Đức Khải-Trưởng ban Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) đã nói như vậy trước những tranh luận gay gắt về câu chuyện nhập đường từ Lào giữa Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Bảo hộ và những yếu kém
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú mới đây có bài viết cho biết, sau nhiều năm bảo hộ, ngành mía đường Việt Nam đang nổi lên không ít bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất là giá thành quá cao. Nhiều năm qua, người dân liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới. Thời điểm hiện tại, giá bán đường giao tại cửa các nhà máy trong nước đang cao khoảng gấp rưỡi giá đường ăn thế giới.
Thứ trưởng Cẩm Tú cho rằng, các doanh nghiệp đường Việt Nam thay vì trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước nên tập cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - đơn vị sản xuất đường tại Lào và xin nhập vào Việt Nam) để đứng vững được trước áp lực cạnh tranh với hàng nghìn doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Đáp lại ý kiến của Thứ trưởng Tú, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã phản ứng khá gay gắt. Ông Nguyễn Hải- Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, những ý kiến được Thứ trưởng đưa ra “chưa được kiểm chứng tính chính xác”.
Cụ thể, với yêu cầu các nhà máy đường trong nước nên cạnh tranh với HAGL, ông Hải cho rằng, điều kiện cơ bản của 2 đối thủ cạnh tranh hoàn toàn khác nhau. “Nhà nước Việt Nam có tạo điều kiện cho các nhà máy đường Việt Nam như nhà nước Lào tạo điều kiện cho HAGL tại Lào không?”- ông Hải đặt câu hỏi.
Ông Hải dẫn chứng, về hỗ trợ kỹ thuật canh tác, điều kiện sử dụng đất đai canh tác mía của nông dân Việt Nam có nhiều mặt không thuận lợi như đất đai manh mún, chỉ được cấp quyền sử dụng 20 năm... nên rất khó cho việc bỏ vốn vào để đầu tư cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Trong khi đó, HAGL đầu tư tại Lào được giao đất tốt bằng phẳng, hàng chục nghìn ha với thời gian trên 90 năm, chỉ một doanh nghiệp làm chủ, đủ điều kiện để bỏ vốn đầu tư nhằm áp dụng mọi kỹ thuật canh tác cần thiết.
Cũng liên quan đến HAGL, hiệp hội cho rằng nói đường của HAGL được xem như đường sản xuất của Việt Nam là không hợp lý. “Hiện nay chúng ta có hơn 4 triệu Việt kiều trên khắp thế giới, họ cũng mở sản xuất, công nhân cũng là Việt kiều, vậy có xem đó là sản xuất như trong nước không?”.
Đại diện Hiệp hội Mía đường nhấn mạnh, nếu năng suất mía đường của HAGL thực sự cao như báo cáo, thì có nhất thiết phải yêu cầu được đưa về tiêu thụ tại Việt Nam, mà không nhằm vào các nước như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc là những quốc gia nhập khẩu đường hàng năm gấp hàng trăm lần sản lượng của HAGL?
Hãy làm, đừng tranh cãi
Ông Lưu Đức Khải cho rằng, trên thực tế, sức cạnh tranh của ngành mía đường đúng là đang có vấn đề xuất phát từ việc năng suất và chất lượng mía của Việt Nam rất thấp. Nguyên liệu mía hiện nay cung cấp cho các nhà máy đường có chất lượng thuộc loại thấp hơn thế giới (thế giới đạt 12-13 CCS, thậm chí có nước đạt 15-16 CCS), nhưng giá mía lại thuộc loại cao khoảng 45-50 USD/tấn (thế giới khoảng 30 USD/tấn). Đây là yếu tố chủ yếu làm giá thành đường của Việt Nam cao, làm yếu sức cạnh tranh.
“Chính sách phát triển cây mía dù đã có nhưng hiện nay người nông dân chưa tiếp cận được đầy đủ” - ông Khải nói. Quy hoạch đất đai cho người trồng mía còn chưa bài bản, nông dân không chọn được nơi trồng mía tốt nhất. Nhà máy liên kết với nông dân cũng lỏng lẻo. Khi giá bán đường trong nước lên cao, các nhà máy chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với người nông dân trồng mía, đến khi giá xuống thì gánh nặng lại dồn hết lên vai người nông dân, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá; được giá mất mùa” lâu nay vẫn diễn ra. Người nông dân không yên tâm trồng mía và sẵn sàng chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác, khiến ngành mía đường không chủ động được nguồn nguyên liệu.
Như vậy, mấu chốt yếu kém của ngành mía đường hiện nay xuất phát từ cả phía cơ quan quản lý, các nhà máy chế biến và đẩy khó cho người nông dân. Do vậy, theo ông Khải, thay vì tranh cãi, chúng ta nên cùng hợp sức để tạo được sức cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam trong đó, rất cần có “bàn tay” của Nhà nước trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, cấu trúc lại diện tích trồng mía. Doanh nghiệp nghiên cứu giống, thâm canh theo hướng hiện đại và gắn kết cùng nông dân.