Bị cô lập vì nổi tiếng?
Trận giao hữu giữa U23 Việt Nam và U23 Indonesia tại sân Mỹ Đình, thêm một lần nữa Công Phượng phải ngồi dự bị và chỉ vào sân trong hiệp 2. Trong 45 phút có mặt trên sân, tiền đạo người Nghệ An chơi đầy nỗ lực, di chuyển rất xông xáo. Thế nhưng có thể dễ dàng nhận thấy, “số 10” có xông xáo nhưng lại thiếu hiệu quả.
Anh chỉ có một cú dứt điểm đi chệch cột dọc, còn lại mờ nhạt trong những đường lên bóng của chủ nhà. Ngay cả ở tình huống U23 Việt Nam ghi bàn, Công Phượng cũng đứng ở bên ngoài vòng cấm và không tham gia vào.
Không có chuyện Công Phượng bị cô lập ở U23 Việt Nam (Ảnh - Thanh niên).
Chứng kiến những hình ảnh ấy, không ít người hâm mộ đã đặt câu hỏi: Phải chăng số 10 đến từ HAGL bị chính các đồng đội của mình cô lập? Họ đưa ra dẫn chứng rằng, trong rất nhiều tình huống, tiền đạo người Nghệ An ra dấu xin bóng, nhưng lại không được các đồng đội đáp ứng. Có lúc anh di chuyển thông minh, chỉ chờ đồng đội chọc khe, nhưng rồi lại phải "chạy xe không" – điều ít khi xảy ra khi Công Phượng thi đấu bên cạnh Tuấn Anh và Xuân Trường...
Phải chăng vì quá nổi tiếng ngoài đời thường, được người hâm mộ yêu mến, ví như “Messi của Việt Nam” nên Công Phượng đã vô tình tạo ra khoảng cách với các đồng đội? Họ có thể ngày ngày cười đùa với anh, hỗ trợ trong tập luyện, nhưng vẫn giữ một sự nghi kỵ nhất định?
Nên nhớ ngay như ở trận thắng 3-1 trước Hà Nội T&T, Công Phượng ghi bàn ấn định, nhưng đó là tình huống mang dấu ấn cả nhân: Cướp bóng trong chân đối phương và xử lý khéo léo trước khi hạ gục thủ thành đối phương. Nó hoàn toàn không phải là một tình huống được hỗ trợ.
Chuyên gia lên tiếng
Trái với quan điểm từ một số người hâm mộ, HLV Vương Tiến Dũng – một trong những chuyên gia bóng đá hàng đầu ở Việt Nam, lại cho rằng, chẳng có sự cô lập nào đối với Công Phượng ở đây cả. Theo cựu HLV Thể Công, vì HLV Miura xây dựng U23 theo hơi hướng phòng ngự phản công, đề cao sự hiệu quả và những đường chuyền một chạm nhanh nên một cầu thủ có lối chơi rườm rà như Công Phượng tất nhiên sẽ có nhiều thời điểm “đói bóng”.
Cũng theo ông Vương Tiến Dũng, với một HLV đề cao tinh thần đoàn kết và kỷ luật như ông Miura thì khó có chuyện Công Phượng bị cô lập ở U23 Việt Nam. Chung quan điểm là HLV Trần Bình Sự. Theo nhà cầm quân của CLB Đồng Nai, U23 Việt Nam đã có một trận đấu không tốt trước U23 Indonesia, phối hợp không gắn bó, chứ không phải vì các cầu thủ kéo bè, kéo cánh và rồi cô lập lẫn nhau.
“Tôi nghĩ khi lên làm nhiệm vụ ở đội tuyển, không có tình trạng phe phái hay cô lập nhóm này, nhóm kia. Cầu thủ nào thể hiện tốt, được HLV ưng ý thì được đá chính. Những người chơi không đạt yêu cầu thì dự bị, phải cố gắng thêm. Cách chơi của HAGL và của HLV Miura khác một trời một vực. Một bên chơi ban bật, một bên được yêu cầu tấn công dứt khoát, không rườm rà. Vì thế, các cầu thủ của HAGL, trong đó có Công Phượng, chưa thích nghi được”, HLV Trần Bình Sự nêu nhận xét của mình.
Thực tế những ngày qua, HLV Miura luôn cố gắng tạo ra bầu không khí đoàn kết, vui vẻ ở đội U23. Từ việc xé lẻ lứa trẻ HAGL, yêu cầu họ ở xen kẽ với các cầu thủ tới từ các CLB khác, rồi tổ chức các bữa liên hoan, tiệc sinh nhật... cho đến sắp xếp các đội hình đá tập khác nhau, tạo sự thông hiểu trong lối chơi...
Ngoài ra, khi phóng viên đề cập chuyện Công Phượng dự bị 2 trận liên tiếp, ông cũng không ngần ngại đưa ra giải đáp. “Đội bóng của tôi đang trong quá trình thử nghiệm lực lượng. Công Phượng hay bất cứ cầu thủ nào đều được trao cơ hội như nhau và tôi chưa định hình bộ khung đá chính hay dự bị. Vì thế, chuyện Công Phượng ngồi dự bị là điều bình thường”, HLV Miura cho biết.