Yêu đình xưa, xót đình nay
Tìm đường đến với ngôi đình cổ có tuổi hơn 300 năm tại thôn Cổ Chế vào ngày 9.3, Hà Nội vẫn đang trong tiết mưa phùn kéo dài, chúng tôi được người dân nhiệt tình chỉ dẫn đến trước khuôn viên đình. “Cũng nhiều người về đây để thăm đình và tìm hiểu thông tin rồi các cô ạ, nhưng đình của thôn tôi vẫn đang từng ngày chờ… sập. Không phải nói gở miệng nhưng cứ đà mưa gió, thời tiết thất thường kiểu này, tôi e ngôi đình chẳng trụ được lâu nữa” – bà Trịnh Thị Loan (50 tuổi) bán hàng gần khu vực đình Cổ Chế thở dài nới với chúng tôi.
Được biết trước đây, ngôi đình là địa điểm để mọi người dân thôn Cổ Chế tụ họp mỗi dịp lễ, tết, và tổ chức giỗ Thành hoàng làng (12.2 âm lịch hàng năm). Ngôi đình với kiến trúc gồm 2 gian, gian trong thờ Thành hoàng, gian ngoài rộng rãi hơn là nơi tụ họp. Vài năm trở lại đây, thôn sử dụng đình làm lớp mầm non cho con em trong thôn.
Đình Cổ Chế không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, mà còn là không gian lưu giữ những giá trị nghệ thuật. Năm 2004, đình Cổ Chế được xếp hạng di tích cấp thành phố. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho biết: “Những mảng chạm khắc ở đình Cổ Chế có kỹ thuật chạm lộng, đề tài chứa đựng những ước vọng của người dân trong việc chinh phục tự nhiên, ca ngợi nét đẹp vùng thôn dã. Do đó những mảng chạm này chứa đựng giá trị về nghệ thuật cũng như văn hóa hết sức độc đáo”.
Ngôi đình Cổ Chế hiện ra trước mắt khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Những bức tường bao phủ quanh đình bong tróc, mốc meo. Hệ thống cột trụ, kèo nối bị mối mọt, mục ruỗng nặng. Cả gian ngoài được chằng kéo bởi hệ thống cây chống đỡ với dây buộc tạm bợ. Ngôi đình thiêng ngày nào giờ trở thành chỗ trú ngụ cho chim chóc. Hiện nay, gian ngoài của đình đã đóng cửa hoàn toàn do sự xuống cấp, xập xệ nghiêm trọng. Ông Phạm Thanh Nhàn - Bí thư chi bộ thôn Cổ Chế ngậm ngùi cho biết: Thời điểm đình còn là nhà trẻ, ngày nắng thì không sao nhưng ngày mưa khổ lắm. Các cháu bé bị dồn hết vào một góc, còn cô giáo lại tất tả mang chậu, thau, bát tô ra hứng nước. “Rồi những buổi họp dân, họp chi bộ tại đình, từ dân thường tới lãnh đạo ai cũng phải co hết cả chân lên ghế vì nước ngập lênh láng tràn dưới nền nhà. Vì sự xuống cấp nhanh chóng của đình, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo và dừng hẳn các hoạt động diễn ra tại đình” – ông Nhàn bày tỏ.
90 triệu đồng chưa đủ “ba chống”
Điều đáng nói là những mảng chạm khắc hình nghê, rồng, các hoạt cảnh sinh hoạt dân gian cực kỳ tinh xảo như đang bay, đang múa vẫn may mắn tồn tại nguyên vẹn trong ngôi đình. “Hiện trong đình Cổ Chế còn lưu được 5 mảng chạm khắc mang phong cách của nghệ thuật điêu khắc đình làng thế kỷ 17 – giai đoạn đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và trang trí đình làng Bắc Bộ. Những chạm khắc này có thể sánh ngang với những chạm khắc trang trí ở các đình khác cùng niên đại như đình Chu Quyến, Liên Hiệp, Hương Canh, Phù Lão” - nhà nghiên cứu Đức Bình cho hay.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Vũ Tùng Cương – Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến cho biết: “Năm 2013, ngân sách huyện đã chi hơn 90 triệu đồng để thực hiện “ba chống” gồm chống sập, chống dột và chống mối cho ngôi đình. Việc dùng bạt che phủ cũng chỉ giải quyết vấn đề tạm thời, còn lâu dài thì phải dùng tôn. Mà với kinh phí như thế thì không đủ, nếu có thể cũng chỉ mua được loại tôn rẻ nhất để sử dụng”.
Tình trạng xuống cấp của đình Cổ Chế khiến những người dân gắn bó không khỏi ngậm ngùi. Hơn 3 năm chịu trách nhiệm trông nom ngôi đình, ông Phạm Văn Ấm từng ngày chứng kiến cảnh đình ọp ẹp xuống cấp. “Mỗi lần mở cửa đình, bản thân tôi cũng cảm thấy lo lắng. Tôi vẫn luôn túc trực khu vực gần đình Cổ Chế, cảnh giác nhắc nhở khi có người đến gần gian ngoài của đình, nhất là với đám trẻ con nghịch ngợm” - ông Ấm cho hay.
Rất nhiều người dân thôn Cổ Chế đang quan tâm, lo lắng trước sự tồn tại của ngôi đình cổ, bà Hoàng Thị Bình – người sống gần đình cho biết: “Ngôi đình như là mái nhà chung của người dân Cổ Chế, vậy mà bây giờ ngày mưa gió, nắng mưa trở trời chúng tôi chỉ có một nỗi lo sợ đình sập xuống. Những người lớn tuổi trong làng thậm chí còn khuyến khích thanh niên chụp ảnh hiện trạng đổ nát của ngôi đình đưa lên mạng để nhiều người biết. Chúng tôi đang hy vọng sẽ có người đóng góp và đặc biệt có thêm nguồn kinh phí lớn từ Nhà nước để trùng tu tôn tạo ngôi đình”.