Dân Việt

Bão số 2 đổ bộ vào Hải Phòng: Đê sạt lở nặng, thủy sản mất trắng

25/06/2013 06:40 GMT+7
(Dân Việt) - Bão số 2 đổ bộ chiều và đêm 23.6 đã làm hàng trăm công trình kiên cố của Hải Phòng bị đổ, sập; trên 400m đê bị sạt lở; khoảng 2.352ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, trên 44ha hoa màu bị ngập...

Tại huyện Cát Hải, sóng biển cao đến 4 – 5m, vượt qua bờ kè, đã đập nát một số công trình kiên cố chủ yếu của người dân tiểu khu Tiến Lộc, thị trấn Cát Hải. Theo ông Lê Đình Hòa (SN 1952)- một người dân ở Tiến Lộc, khoảng 13 giờ 30 ngày 23.6, bão số 2 chính thức ảnh hưởng trực tiếp đến Cát Hải. Do triều cường lớn, sóng cao đến 4 – 5m, tràn qua mặt bờ kè vào nhà, đánh đổ toàn bộ tường bao nên cả nhà ông Hòa phải kèm nhau chạy vào khu thị trấn để tránh sự hung dữ của biển. Đến 17 giờ, ông Hòa quay về nhà thấy cửa chính bị sóng đánh bật, toàn bộ vật dụng trong nhà bị ngập chìm trong nước, một số bị nước cuốn trôi. “Rất may bão đi qua nhanh chứ không với mức sóng cao như vậy, toàn bộ nhà tôi cũng bay luôn. Cả cái khu gần trên 62 hộ dân ở đây cũng thế” – ông Hòa bàng hoàng kể.

img
Nhiều công trình, nhà cửa ở thị trấn Cát Hải bị sóng lớn và gió bão đánh sập, hư hỏng.

Bà Hoàng Thị Yến (SN 1964) cho biết, tường bao, cửa, tài sản trong nhà bà cũng bị sóng kéo ra biển; gia súc, gia cầm cũng bị cuốn mất. Theo bà Yến, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là bờ kè quá thấp, chất lượng không đảm bảo nên khi có sóng biển và triều cường là nước tràn qua. “Cứ năm nào có bão, hay áp thấp đều diễn ra tình trạng sạt lở hay vỡ đê” – bà Yến nói.

Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Cát Hải, cơn bão đã làm trên 2km bờ kè tại tiểu khu Tiến Lộc bị sạt lở. Khu vực giữa xã Văn Phong và thị trấn Cát Hải bão đã làm sạt lở trên 400m đê. Khu vực huyện đảo Cát Bà chủ yếu bị thiệt hại tại 2 bãi tắm 1, 2 do sóng đánh lật tung đường bê tông vào bãi, cuốn bay một vài chòi bán hàng...

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB &TKCN Hải Phòng, tại vùng biển Đồ Sơn xuất hiện triều cường lớn, nước dâng cao, gió giật cấp 6, 7, sóng đánh cao 4 - 5m gây sạt lở khoảng 40m kè làm từ thời Pháp tại khu I. Nhiều khu dân cư bị ngập trong nước. Trong đó, toàn bộ khu vực phường Ngọc Hải, khu 1 phường Vạn Hương, khu chợ Cồng Vồng... đều ngập nước mênh mông, có nơi nước sâu khoảng 1m - ngập ngang ngực người lớn.

Ông Bùi Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị liên quan huy động người, xe cơ giới để gia cố lại các điểm bờ kè, đê bị sạt lở nặng để chống tình trạng gió lớn sau bão kết hợp với triều cường dâng cao gây hậu quả khôn lường.

Tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, sóng biển cùng với triều cường dâng cao đã làm hơn 1.000ha nuôi trồng thủy sản của người dân ven biển bị ngập bờ, hàng trăm ha rau màu ngập chìm trong nước, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Ông Đỗ Trung Thoại – Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, ngay sau bão đi qua, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống để dân tiếp tục sản xuất. “Đối với các quận, huyện có bờ kè, đê bị sạt lở, thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp khắc phục, không để hậu quả xấu xảy ra” – ông Thoại nói. 

Quảng Ninh: Nước biển tràn qua đê xung yếu

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, do ảnh hưởng gió bão cộng với triều cường nên thời điểm bão về nước thủy triều dâng cao đã tràn qua 2 đoạn đê ở thôn 2, thôn 5 thuộc xã Đường Hoa (huyện Hải Hà), với tổng chiều dài khoảng 70m. Tại đoạn đê thuộc xã Tân Bình, huyện Đầm Hà cũng bị ngập khoảng 50m. Tại thị trấn Cô Tô, huyện đảo Cô Tô, gió bão đã làm sạt lở khoảng 7m chân cầu cảng đi xã Thanh Lân và 5m tường kè chắn sóng vào bãi rác Voòng Xi thuộc khu 1, thị trấn Cô Tô...

Bờ đê được đánh giá bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất xảy ra tại huyện Vân Đồn. Theo báo cáo của huyện này, triều cường dâng cao đã tràn qua 2 đoạn đê xung yếu của thôn Thái Hòa và thôn Tân Phong thuộc xã Quan Lạn, có chiều dài khoảng 60m làm nhiều ruộng lúa ở đây bị nước mặn tràn vào ngập trắng. Người dân phải đối mặt với việc phải bỏ ruộng hoang để rửa mặn mất khoảng 2 năm mới canh tác lại được.

Nam Định, Thái Bình: Tan nát nhiều vùng nuôi trồng thủy sản

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình, đã có 1 tàu công suất 24 CV bị đắm khi đang neo đậu tại bến Nam Thịnh, huyện Tiền Hải; mái đê biển số 6 từ K7+750 - K8+202 thuộc huyện Tiền Hải bị sạt lở dài 270m, cao 0,6m. Ngoài ra, toàn tỉnh có 650ha hoa màu bị thiệt hại 50%, 800ha hoa màu bị thiệt hại từ 10 - 20%; 360ha lúa mới cấy bị ngập; 750ha đầm thủy sản ngập, thiệt hại khoảng 1.408 tấn; trên 2.100ha ngao bị xô dạt, thiệt hại 30%.

Tại Nam Định, thiệt hại ban đầu do bão số 2 gây ra là khá lớn. Tại huyện Giao Thủy - vùng nuôi ngao lớn nhất tỉnh chưa thống kê được hết những thiệt hại. “Hiện tại bà con sau khi sơ tán tránh bão đã về trở lại đầm nuôi, nhưng tới cuối giờ chiều chúng tôi chưa nhận được báo cáo về thiệt hại cụ thể trên diện tích 12.000ha vùng nuôi ngao"- ông Cao Ngọc Ánh- Trưởng phòng Thủy sản huyện Giao Thủy cho biết. Khu vực mỏ kè xã Nghĩa Phúc (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định)- điểm xung yếu nhất của tuyến đê biển Nam Định bị sạt lở nhỏ nhưng được sớm khắc phục.

Chiều 24.6, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đặng Ngọc Thắng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều Nam Định, thành viên Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cho biết, thiệt hại sơ bộ của tỉnh Nam Định sau khi bão số 2 đi qua vào khoảng 150 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại về thủy, hải sản ước tính khoảng 100 tỷ đồng; thiệt hại về đê điều khoảng 22 tỷ đồng, trạm bơm tiêu khoảng 7 tỷ đồng, muối 1 tỷ đồng.