Giấc mơ “Oscar Việt Nam”
Cách đây 12 năm, vào năm 2003, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam lúc đó là TS Trần Luân Kim đã quyết định tổ chức lễ trao giải Cánh diều Vàng theo mô hình giải “Oscar Việt Nam” thay cho việc trao giải nội bộ như các hội văn học nghệ thuật khác. Khỏi phải nói tâm trạng và không khí làng điện ảnh lúc đó đã náo nức thế nào. Ai cũng kỳ vọng đây sẽ là một “cú hích” để điện ảnh Việt Nam phát triển, khơi dậy tình yêu của nghệ sĩ.
Nhưng 12 năm qua, giải Cánh diều Vàng đã dần cho thấy một sự thoái trào, và điều đó không làm ai ngạc nhiên vì nó tỷ lệ thuận với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Chất lượng phim ngày càng đi xuống, có nhiều giải “phát sinh” ở phút chót cho đẹp lòng người dự thi, giải trao cả cho những diễn viên diễn xuất chưa “sạch nước cản” (như Elly Trần năm 2011) đã khiến uy tín của giải giảm dần.
Thực ra, ý tưởng ban đầu của Hội Điện ảnh Việt Nam muốn biến giải Cánh diều Vàng thành một lễ trao giải “Oscar Việt Nam” là hoàn toàn đáng động viên và khích lệ. Tuy nhiên, 12 năm đã qua, thay vì đi dần vào chuyên nghiệp thì Cánh diều Vàng lại ngày càng phô bày một sự luộm thuộm trong công tác tổ chức. Phim chưa hề ra rạp vẫn được trao giải, phim nghệ thuật và phim thương mại cùng chung một tiêu chí, số lượng phim thì ít nhưng giải vẫn nhiều… là những lý do khiến giải kém sức hút.
Trong khi Liên hoan Phim Việt Nam tổ chức định kỳ 3 năm/lần với giải Bông sen Vàng danh giá, việc tổ chức Cánh diều Vàng mỗi năm một lần trong điều kiện phim Việt èo uột, năm được mùa, năm mất mùa đã khiến cho giải thưởng này tạo cảm giác phải “vơ bèo vạt tép” để có đủ số lượng phim.
Những lễ trao giải kéo dài lê thê, những phát biểu chẳng lấy gì làm cô đọng, sâu sắc của phần lớn các nghệ sĩ tham gia nhận giải và quan trọng là giá trị thương mại từ quảng cáo thu về rất ít cũng đã khiến Cánh diều Vàng bị lép vế trên sóng truyền hình. Những năm đầu, giải còn được phát trên các kênh VTV1 hay VTV3, những năm về sau, khung phát sóng chuyển sang VTV2 và năm 2014, lễ trao giải không được truyền hình trực tiếp mà chỉ ghi hình để phát lại. Năm nay, sau rất nhiều nỗ lực của Ban tổ chức, lễ trao giải được truyền hình trực tiếp trở lại, nhưng đành chấp nhận lên sóng ở kênh VTV9.
Giải hẻo, kém sức hút?
Cánh diều Vàng 2014 có 137 phim tham gia tranh giải, trong đó có 17 phim điện ảnh, 25 bộ phim truyền hình (18 phim dài tập, 7 phim 1 tập), 14 phim hoạt hình, 4 phim tài liệu điện ảnh, 48 phim tài liệu truyền hình, 7 phim khoa học, 29 phim ngắn và và 3 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh - truyền hình. Về mặt số lượng, đây không là con số đáng thất vọng, tuy nhiên vì sao nghệ sĩ vẫn thờ ơ với giải thưởng?
Trong buổi họp báo về lễ trao giải, nghệ sĩ Quyền Linh- đạo diễn lễ trao giải đã khiến giới báo chí cũng thấy chạnh lòng thay cho Hội khi tâm sự: “Giải Cánh diều nghe thì rất to nhưng không có tiền, mời nghệ sĩ đến trao giải thì chỉ nhận được những câu trả lời thờ ơ, không mặn mà”. Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhiều năm nay, Cánh diều Vàng đã không tạo nên sự đổi mới hay đột phá giúp chính mình khác đi với giải thưởng danh giá hơn là Bông sen Vàng của Bộ VHTTDL tổ chức. Tiêu chí chấm giải chung chung: “Đề cao phim điện ảnh, truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực" đã cho thấy một sự rập khuôn tẻ nhạt theo liên hoan phim quốc gia. Có lẽ chính điều đó làm Cánh diều Vàng thiếu đi sức hút.
Vậy có nên chăng Hội Điện ảnh thu hẹp lại những lễ trao giải Cánh diều Vàng, chỉ tổ chức nội bộ như những hội nghề nghiệp nghệ thuật khác, dành mọi kinh phí tổ chức lễ lạt tốn kém để tăng giá trị của giải? Giải thưởng cho các cá nhân đoạt giải Cánh diều Vàng còn hẻo tới mức với báo chí, đến nay vẫn là một bí mật vì các đạo diễn, diễn viên không chịu tiết lộ. Chỉ biết tổng tiền giải thưởng cho giải trao năm 2014 chỉ từ 400-500 triệu đồng trao cho 50 giải.