Dân Việt

Sắp hết thời nhuận bút tác phẩm nghệ thuật chỉ đủ tiền... nước?

12/03/2015 09:31 GMT+7
Nghị định quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác được Chính phủ ban hành mới đây được người trong cuộc kỳ vọng sẽ phần nào tháo gỡ những bất cập về chế độ, chính sách và trở thành động lực thúc đẩy tiềm năng sáng tạo cũng như sự ra đời của những tác phẩm đỉnh cao trên các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật.

Muôn nẻo buồn... nhuận bút!

“Trước đây, Nghị định 61/2002/NĐ-CP ngày 11.6.2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút cũng đã có những quy định về thù lao trưng bày đối với tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh rồi. Tuy nhiên những quy định đó hầu như không được Sở VHTTDL các tỉnh, thành; các Hội VHNT áp dụng. Nhiều nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia cặm cụi sáng tác, tự bỏ tiền túi đưa tác phẩm đến triển lãm, phục vụ xong xuôi nhiệm vụ tuyên truyền rồi lại ngậm ngùi móc tiền túi đưa tác phẩm trở về...”, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN bắt đầu câu chuyện về nhuận bút đối với các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trong nhiều năm qua.

Không cần minh chứng đâu xa, họa sĩ Vi Kiến Thành cũng đã nhiều lần “hít khí giời” mang tranh đi triển lãm. “Không nhớ xuể đã bao lần tôi phải tự bỏ tiền túi chở tác phẩm đi- về khi tham dự các cuộc triển lãm tại nhiều địa phương, triển lãm của Hội Mỹ thuật... Những lần đó, chúng tôi chỉ lấy việc được treo tranh làm niềm vui. Anh em nghệ sĩ cũng “kêu” nhiều lắm...”, ông Vi Kiến Thành nói.

Làm một phép tính nhỏ, chi phí tiền khung, nguyên vật liệu cho một bức sơn dầu sơ sơ cũng vài triệu; nguyên liệu cho một bức sơn mài thấp nhất cũng ngót chục triệu đồng. “Nghệ sĩ nào sẽ hào hứng sáng tác mãi khi thường xuyên bị rơi vào tình cảnh... treo tranh miễn phí? Có lần, họa sĩ ở Nam Định mang tranh lên Hà Nội dự triển lãm xong nói với chúng tôi rằng, nhờ các bác tìm chỗ “treo hộ”.

Vì bây giờ lại tự bỏ tiền túi chở tranh về thì buồn lắm...”, chuyện họa sĩ Vi Kiến Thành kể không phải là hiếm trong giới nghệ thuật tạo hình. Chưa kể, Nghị định cũ chưa quy định mức trả nhuận bút cho sáng tạo trong tác phẩm. Chủ yếu việc định giá tác phẩm đều thông qua thỏa thuận, thuận mua vừa bán giữa tác giả, chủ sở hữu với khách hàng.

Trong mảng sân khấu, chuyện nhuận bút cũng là căn nguyên của nhiều mối lình xình. Nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn chia sẻ, trước đây, các đạo diễn thường “ôm” một khoản tiền lớn và tự cho mình quyền chi trả cho các thành phần sáng tạo khác. Tuy nhiên, việc chi trả rất tùy hứng, có vở diễn đạo diễn “ôm” nhuận bút tới 200 triệu mà tác giả chỉ nhận được có 50 triệu đồng.

Ở lĩnh vực điện ảnh, loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù cao thì việc chi trả nhuận bút hợp lý vốn là điều mong đợi bấy lâu. NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam bộc bạch, cho dù ông chưa nghiên cứu kỹ lưỡng Nghị định nhuận bút mới, nhưng rõ ràng, việc ban hành chế độ nhuận bút mới cho điện ảnh là rất cần thiết. “Chế độ nhuận bút cũ đã quá lỗi thời, không phù hợp. Lao động điện ảnh ngoài yếu tố về tài năng, năng khiếu thì còn cần rất nhiều đến yếu tố thể lực. So với các loại hình nghệ thuật khác thì lao động điện ảnh thật sự là loại hình lao động nặng nhọc, đặc biệt là thời gian lăn lộn trên trường quay, phải nói rất cơ cực...”, NSND Đặng Xuân Hải cho biết.

Từ thời bao cấp, sự cực nhọc của lao động điện ảnh đã được nhìn nhận, mức phụ cấp gạo cho các đạo diễn, quay phim cao hơn mức trung bình phụ cấp thông thường. Thế nhưng hiện nay, chế độ nhuận bút cho lao động điện ảnh quá thấp. Theo chế độ quy định hiện nay, nhuận bút cho đạo diễn và biên kịch một phim truyện nhựa thường rơi vào 60-70 triệu/phim.

Trong khi đó, để viết được một kịch bản phim, người viết nhanh thì thường mất 1 năm, có người viết chậm thì 2 năm. Còn đạo diễn, khi làm một phim thường mất 2 tháng quay trên hiện trường, cộng thêm thời gian viết kịch bản phân cảnh, chọn bối cảnh trước khi quay, rồi thời gian làm hậu kì, trung bình một đạo diễn mất 7 tháng lao động cật lực cho một bộ phim nhựa. Vậy số nhuận bút 60-70 triệu/ phim chia trung bình ra hàng tháng thì được bao nhiêu? Quá ít so với chất xám và sức lực mà họ phải bỏ ra.

img

“Nhuận” treo tác phẩm tại triển lãm vẫn còn là vấn đề bất cập. Ảnh minh họa

Có thực mới vực được... tác phẩm

NSND Đặng Xuân Hải nêu thêm một ví dụ từ bộ phim nhựa Thầu Chín ở Xiêm, vừa được Hãng phim Hội Điện ảnh sản xuất. Theo chế độ nhuận bút trước khi Nghị định 21/2015/ NĐ-CP ban hành, tổng số nhuận bút của phim là 300 triệu đồng, chia cho tất cả các thành phần làm phim, gồm biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, hóa trang, âm thanh, ánh sáng... “Thử hỏi mỗi người sẽ được bao nhiêu tiền cho một phim?

Khi nhuận bút không đủ sống, không đủ để tái tạo sức lao động thì các đạo diễn, biên kịch sẽ phải làm những việc lấy ngắn nuôi dài, không thể tập trung cho phim được, vì vậy mà dễ ảnh hưởng đến chất lượng phim. Các lao động điện ảnh thuộc các hãng phim nhà nước cũng vì thế mà đổ xô đi làm phim bên ngoài, vì được trả nhuận bút cao hơn nhiều lần”.

Họa sĩ Vi Kiến Thành cũng đồng quan điểm này. “Có thực mới vực được... tác phẩm”. Khi cuộc sống của các nghệ sĩ quá èo uột, nhuận bút quá bèo bọt, thậm chí bằng 0 thì khó có thể trách cứ họ mải miết chạy theo cơ chế thị trường, sáng tác những tác phẩm “ăn xổi ở thì”, rẻ tiền, thương mại hóa nghệ thuật... “Nói thật, tranh thị trường dễ sống hơn nhiều! Muốn tự kiếm sống và “nuôi” mảng sáng tác phục vụ các nhiệm vụ chính trị thì phần lớn các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia... đều phải lựa chọn con đường sáng tác theo thị hiếu người mua mà thôi...”, họa sĩ Vi Kiến Thành chua chát.

Thiếu động lực sáng tác luôn là một thực tế đầy bất cập khi những quy định chi trả nhuận bút cho tác phẩm nghệ thuật còn chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản từ thực tế cuộc sống của đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay. Vì vậy, Nghị định 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác khi vừa được Chính phủ ban hành (ngày 14.2.2015) đã nhen lên nhiều kỳ vọng đối với đội ngũ sáng tác nghệ thuật. Nhà văn Hà Đình Cẩn chia sẻ, bản thân ông mong muốn những quy định của Nghị định mới sẽ góp phần giải tỏa những lình xình lâu nay trong giới sân khấu.

“Nghị định mới quy định khung nhuận bút thù lao cho tác giả sân khấu ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cả đạo diễn sân khấu, điều này sẽ mang lại sự công bằng trong chi trả nhuận bút cho các thành phần sáng tạo, tạo tính cổ vũ lớn đối với lực lượng tác giả sân khấu để họ dành nhiều tâm huyết và thời gian cho sáng tác. Mặt khác, nhuận bút cho tác giả kịch bản ca kịch cao hơn nhuận bút cho tác giả kịch bản kịch nói cũng là một điểm rất hợp lý, bởi việc sáng tác kịch bản cho kịch hát dân tộc hiện đang rất khó khăn...”, ông Hà Đình Cẩn phân tích.

NSND Đặng Xuân Hải cũng giản dị bày tỏ sự đồng tình với hai từ “cần thiết!”. Hơn bao giờ hết, mong muốn các nghệ sĩ hết lòng dồn tâm, dồn sức cho nghệ thuật, vươn tới những tác phẩm đỉnh cao thì sự quan tâm, đầu tư thiết thực sẽ luôn là những giải pháp hiệu quả.

Nói lại chuyện cũ, khi chẳng ít họa sĩ, nhà điêu khắc tham dự xong các cuộc triển lãm, lĩnh thù lao treo tác phẩm cũng chỉ đủ mời bạn bè cốc bia, ly nước, họa sĩ Vi Kiến Thành cũng bày tỏ mong muốn Nghị định mới về nhuận bút sẽ thực sự trở thành động lực, niềm vui, để các nghệ sĩ không còn bị gánh nặng áo cơm đè nặng, chi phối lên khối óc, đôi tay của họ trong quá trình sáng tác.


Nghị định 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác được Chính phủ ban hành ngày 14.2.2015. Theo đó, Nghị định quy định về nhuận bút, thù lao đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

Nhuận bút đối với tác phẩm điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim phóng sự, phim hoạt hình), không phân biệt vật liệu ghi hình, căn cứ vào thể loại, chất lượng, được trả cho các chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh theo tỉ lệ phần trăm của chi phí sản xuất được duyệt. Trường hợp chuyển thể từ tác phẩm văn học, sân khấu và các loại hình tác phẩm thể hiện dưới hình thức tương tự khác sang kịch bản điện ảnh thì biên kịch chuyển thể hưởng từ 60-70% mức nhuận bút biên kịch của tác phẩm cùng thể loại quy định, phần còn lại được trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để làm tác phẩm chuyển thể. Tác giả tác phẩm điện ảnh dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số được hưởng thêm nhuận bút khuyến khích bằng 5-10% mức nhuận bút của tác phẩm cùng loại. Trường hợp tác phẩm điện ảnh có chi phí sản xuất cao do các yêu cầu đặc biệt của thiết bị, vật liệu hoặc chi phí lớn khi quay bối cảnh tại nước ngoài thì mức nhuận bút, thù lao cao nhất không quá 2 lần mức nhuận bút, thù lao của tác phẩm điện ảnh có chi phí sản xuất bình quân được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị định cũng quy định cụ thể nhuận bút đối với tác phẩm mỹ thuật, theo đó, bên sử dụng tác phẩm mẫu thỏa thuận với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mức nhuận bút theo tỉ lệ phần trăm giá thành tác phẩm, không quá các mức được quy định. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định nhuận bút đối với tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được sử dụng để trưng bày, triển lãm.

Nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác cũng là một nội dung quan trọng tại Nghị định.

Với 5 chương, 14 điều, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15.4.2015. Bộ VHTTDL có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này.