Hành khách la hét thất thanh trong toa tàu lật giữa đêm
Khi đoàn tàu đâm cắt đôi xe tải, điện trên các toa bị cắt. Hành khách hoảng loạn đè lên nhau chui qua cửa kính bị đập vỡ để ra ngoài.
Rạng sáng 11/3, sau gần 5 giờ, lực lượng cứu hộ mới cắt được cabin đưa thi thể ông Lê Minh Phú (53 tuổi, lái chính tàu SE5) ra ngoài. Đến 4h ngày 11/3, thi thể ông được xe cứu thương đưa về nhà ở đường Phan Chu Trinh (TP Huế) lo hậu sự.
Trong căn nhà nhỏ, 3 mẹ con bà Trần Thị Quỳnh Hoa (vợ ông Phú) ngồi thu vào một góc. Nhiều người thân, hàng xóm biết tin tìm đến chia buồn. "Khoảng 22h đêm, mấy mẹ con đang nằm, thì nghe chuông điện thoại reo, tôi cứ tưởng là anh ấy gọi về như thường lệ. Ai ngờ, cuộc gọi ấy báo tin chồng tôi gặp nạn”, bà Hoa nói trong nước mắt.
Kết quả khám nghiệm cho thấy, nạn nhân Lê Minh Phú tử vong do đa chấn thương, nặng nhất là ở vùng bụng.
Vợ và hai con người lái tàu đau đớn trong đám tang. Ảnh: Điền Quang.
Theo bà Hoa, trước giờ ông Phú lên tàu, như thường lệ, bà cùng chồng thức dậy từ sớm tinh mơ để chuẩn bị đồ dùng cần thiết. Không ngờ đó là lần cuối cùng bà được nhìn thấy người chồng thân yêu của mình.
Gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Phú nhiều lần nhận được giải thưởng lái tàu giỏi của ngành. Tai nạn thảm khốc khiến vợ cùng hai con ông bơ vơ.
Con trai đầu của vợ chồng ông Phú vừa tốt nghiệp đại học Kinh tế Huế, con gái đang học lớp 11 trường THPT Hai Bà Trưng. Cuộc sống của cả gia đình đều dựa vào đồng lương lái tàu của ông.
Ngồi khép mình cạnh anh trai, nữ sinh Lê Trần Quỳnh Ngân, con gái út của ông Phú như không thể tin vào sự thật là cha của mình đã mất. “Trước khi đi lái tàu, ba thường ôm hôn con, bây giờ răng ba nỡ bỏ con mà đi. Răng ba không nói một tiếng nào hả ba…”, Quỳnh Ngân khóc nghẹn. Nhiều người có mặt trong tang lễ không nén nổi tiếng thở dài buồn bã.
Lái phụ Hồ Ngọc Hải kể lại giây phút thoát chết trong gang tấc. Ảnh: Điền Quang.
Trong khi đó, trực tiếp chứng kiến giây phút sinh tử, lái phụ Hồ Ngọc Hải (32 tuổi, quê Quảng Bình) sốc nặng. Sau tai nạn, anh Hải phải cấp cứu ở Bệnh viện Trung ương Huế với tình trạng đau tức trong khoang bụng, gãy chân, toàn thân đa chấn thương.
Người lái phụ cho hay, khi tàu đang chạy với tốc độ khoảng 80 km/h thì chiếc xe tải chở đá cùng chạy song song phía đầu tàu. Đến đoạn có đường ngang dân sinh, chiếc xe đột ngột rẽ chắn ngang đường ray. Dù lái chính Lê Văn Phú đã đứng bật dậy theo phản xạ khép tay máy hãm mạnh phanh nhưng vẫn không kịp.
"Lúc đó, cửa bên hông động cơ đột nhiên bung ra sau cú va chạm, đồng thời tôi bị rơi vào khoang động cơ nên thoát chết. Anh Phú thì bị kẹt cứng trong buồng lái, thân thể dập nát....", anh Hải ứa nước mắt trên giường bệnh.
Sáng 11/3, đại diện công đoàn đường sắt Việt Nam đã đến thăm hỏi, động viên gia đình lái tàu bị nạn. Ngành đường sắt cam kết chịu hết toàn bộ chi phí mai táng và hỗ trợ gia đình anh Phú 30 triệu đồng.
Vụ tai nạn xảy vào khoảng 22h ngày 10/3, tại km đường sắt 639 + 750 qua địa phận xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) khi tàu hỏa SE5 đâm ngang xe chở đá BKS 75R.
Đầu máy tàu SE5 bị bẹp dí, kéo theo 3 toa tàu trật văng ra khỏi đường ray, chắn ngang quốc lộ 1A. Xe tải BKS 75R bị nát vụn, chẻ đôi sau cú va chạm mạnh. Tài xế Ngô Gia Hải (41 tuổi, trú tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị chấn thương đốt sống lưng, hôn mê. Lái phụ tàu SE5 Hồ Ngọc Hải gãy chân, thoát chết trong gang tấc, 2 người khác bị thương.
Đại tá Nguyễn Văn Định (Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị) cho biết, công tác cứu hộ là ưu tiên hàng đầu. Sau khi hoàn thành, công an tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành các bước khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của các nhân chứng... để có kết luận nguyên nhân vụ tai nạn.
Chiều 11/3, Ủy ban ATGTQG cho biết, trong 20 ngày đầu năm, cả nước xảy ra 11 vụ tai nạn đường sắt khiến 10 người tử vong, 6 người bị thương. Trong đó, vụ tai nạn đêm 10/3 là đặc biệt nghiêm trọng.
Ủy ban ATGTQG để nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND Quảng Trị khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn, sửa chữa đường sắt bảo đảm thông tuyến sớm nhất; đồng thời, thăm hỏi, động viên gia đình các nạn.
Ủy ban cũng đề nghị Bộ chỉ đạo Tổng công ty đường sắt tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm an toàn của nhân viên gác đường ngang; thường xuyên kiểm tra hoạt động của thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; bố trí cảnh giới tại các đường ngang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.