Xuất sắc vượt qua 200.000 ứng viên trên thế giới, lọt vào top 100 người có khả năng sống trên sao Hỏa, Quốc Anh đang dần chạm đến “ước mơ đẹp đẽ và xa vời nhất trong các loại ước mơ”. Chàng trai Việt đang tiếp tục hành trình chinh phục chuyến đi một chiều, rời xa Trái Đất mãi mãi theo dự án Mars One trị giá 6 tỷ USD.
Quốc Anh tên thật là Vũ Xuân Linh (sinh năm 1982, quê Thái Bình), là cựu sinh viên lớp Kỹ sư tài năng K46, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Anh từng học thạc sĩ công nghệ thông tin tại ĐH Columbia (New York - Hoa Kỳ) và hiện đang làm việc tại một công ty nước ngoài về phần mềm tài chính ở Hà Nội.
Một khi cất cánh vào sao Hỏa là anh sẽ không còn cơ hội quay trở về Trái Đất. Anh đã sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để thực hiện ước mơ này?
Thực ra, mình không nghĩ bay lên sao Hỏa là đánh đổi mọi thứ. Có lần mình đã nói, 10 năm qua mình sống xa nhà, liên lạc với gia đình chủ yếu qua Internet. Trên Sao Hoả cũng vậy, mình vẫn có thể liên lạc, cập nhật tình hình, chia sẻ về cuộc sống hàng ngày của bản thân.
Chưa kể mình còn có thể làm việc được ấy chứ bởi, công việc hiện tại liên quan đến máy tính nên mình có thể làm việc từ xa cũng được. Còn như du lịch, thưởng thức Trái Đất thì mình sẽ cố sắp xếp trong 10 năm tới.
Từ giờ đến năm 2024 (thời điểm 4 trong 24 người được chọn đầu tiên lên Sao Hỏa) còn gần 10 năm nữa, liệu đến khi đó, anh có còn giữ nguyên ngọn lửa nhiệt huyết chinh phục vũ trụ để sẵn sàng “một đi không trở lại” (trong trường hợp anh được chọn)?
Ngoài đam mê, mình còn coi việc tham gia chương trình này như một công việc. Khi chọn ra được 24 ứng viên, mỗi người sẽ là một nhân viên chính thức của Mars One, được trả lương đầy đủ. Ngoài sự nhiệt huyết, những người tham gia còn phải có trách nhiệm hoàn thành tốt công việc và hưởng phúc lợi nên đây là ước mơ mang tính bền vững.
Nếu được lên sao Hỏa, cái được lớn nhất của anh là thỏa mãn ước mơ chinh phục vũ trụ nhưng rời xa Trái Đất mãi mãi, vậy cái mất lớn nhất của anh là gì?
Đó là "personal touch" - gặp gỡ trực tiếp. Công nghệ ngày càng hiện đại giúp con người có thể liên lạc với nhau qua Internet, từ châu lục này sang châu lục khác và ngay cả khi ở trên sao Hoả song việc gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp, bắt tay nhau... vẫn có giá trị tinh thần gấp nhiều lần mà chưa gì có thể thay thế được.
Ngay cả khi trong một vài thập kỷ tới, công nghệ truyền tín hiệu não bộ - "brain machine interface" được hoàn thiện giúp con người truyền được cảm giác qua Internet thì việc truyền cảm giác tức thời với người ở trên sao Hoả vẫn không thực hiện được vì độ trễ 7 phút giữa sao Hoả và trái Đất.
Anh có nói rằng, vợ mình chưa… cấm anh lên sao Hỏa nhưng vợ anh đã khi nào muốn có một cuộc nói chuyện nghiêm túc về ước mơ, dự định này của anh? Chị ấy phản ứng ra sao khi rất có thể chồng mình sẽ biến mất khỏi Trái Đất này mãi mãi?
Với mỗi vòng loại, mình đều giải thích ý nghĩa, tiêu chí và những gì sắp diễn ra ở vòng này bằng những thông tin được cung cấp và dự liệu của mình cho vợ nghe.
Mình và gia đình (trong đó có vợ) có nhiều chia sẻ thật lòng hơn là một cuộc nói chuyện nghiêm túc. Tinh thần chung, mình tham gia Mars One như một thành viên của chương trình (còn có nhiều tình nguyện viên, người ủng hộ khác nữa) đóng góp vào mục tiêu chung là đưa thành công 4 người đầu tiên lên Sao Hoả Người đó dù có là mình hay không, thì vẫn cần những người khác đóng góp cho quá trình ấy.
Theo dự án, khi lên sao Hỏa mọi người sẽ làm gì trên đó, thưa anh?
Nói một cách dễ hiểu nhất, khi lên đó mọi người sẽ làm việc như những phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Họ sẽ nghiên cứu về địa chất sao Hoả, thiên văn, khí hậu và cung cấp những dữ liệu này cho những nhà khoa học ở Trái Đất, với tốc độ và sự phong phú gấp nhiều lần các dữ liệu rô-bốt gửi về hiện nay.
Riêng đối với Mars One, họ còn phải có trách nhiệm duy trì cuộc sống của chính mình bằng việc bảo trì, sửa chữa trạm định cư, duy trì hệ thống cây xanh trong nhà kính, duy trì năng lượng điện mặt trời. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là xây đắp mở rộng khu định cư cho những người mới đến.
Cứ 2 năm sẽ có phi thuyền chở những khoang sinh hoạt và đồ dùng mới và sau đó là những người định cư mới lên sao Hỏa. Những người đến trước sẽ có trách nhiệm lắp đặt những thứ đó.
24 người được chọn lên sao Hỏa có 50% là nam, 50 % là nữ, liệu có phải những người này sẽ kết hôn và sinh con, xây dựng cuộc sống mới trên đó thưa anh?
Hiện tại chương trình vẫn tập trung vào việc đưa thành công 4 người đầu tiên (2 nam, 2 nữ) lên đó. Nhưng nhà tổ chức khuyến cáo không nên có con vì điều kiện sống trên đó còn rất hạn chế và sự phát triển của trẻ sơ sinh chưa được thử nghiệm.
Chưa kể nhiều người được tuyển chọn đã có vợ/chồng và con cái. Mục đích của việc chọn 50% nam, 50% nữ là để cân bằng về giới, ổn định tâm lý. Khi cộng đồng đã đông đúc hơn, tỉ lệ này sẽ giúp cân bằng về giới và sinh sản.
Sắp tới, anh sẽ phải trải qua những cuộc thi tiếp theo như thế nào? Anh đã chuẩn bị được gì cho những vòng thi đó?
Vòng tuyển chọn tới sẽ chọn 24 người từ 100 người thông qua các cuộc thi thể hiện sự đoàn kết và sống sót theo nhóm. Từ vòng 24 đến vòng 4 người, 6 nhóm sẽ được luyện tập thể lực, tâm lý riêng biệt, bao gồm cả cách ly một thời gian tại các khu định cư mô phỏng tại Nam Cực, trên sa mạc hoặc dưới lòng đất. Mình và các ứng viên vẫn đang nhận các thông tin từ nhà tổ chức cho những hoạt động này.
Theo dự án, khi nào thì danh sách 24 người được công bố thưa anh?
Các cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay và kết quả 24 người sẽ có trong năm 2016.
Nếu thất bại, liệu anh có hối tiếc về những nỗ lực, cố gắng mình bỏ ra trong các vòng thi trước đó?
Mình không hối tiếc vì những gì mình nhận được từ chương trình này là rất nhiều.
Trước hết trong cộng đồng Mars One, mình đã được làm quen với bạn bè khắp nơi trên thế giới. Từ vòng 1000 người, các ứng viên đã bắt đầu liên lạc với nhau, chia sẻ thông tin, thậm chí là khoe những việc mình đang làm liên quan đến... sao Hoả.
Ví dụ như có bạn dành thời gian học hỏi các phi hành gia, đến Trung tâm hàng không vũ trụ Kennedy, tham dự nhiều sự kiện báo chí…. Đến vòng 100 người bây giờ, mọi người càng gắn bó với nhau hơn và dự định sẽ tự tổ chức nhiều cuộc gặp mặt để khi được phân nhóm sẽ dễ dàng kết hợp hơn.
Ngoài ra, khi tham gia chương trình này các ứng viên cơ hội tiếp xúc với các hãng thông tấn hàng đầu thế giới. Điều này cũng là một vinh dự, song cũng là trách nhiệm phải cung cấp thông tin chính xác về chương trình.
Cũng không thể không kể đến sự "hâm mộ" mà mình và các ứng viên nhận được từ mọi người. Trên Facebook cá nhân, mình nhận được rất nhiều lời khích lệ, động viên của các bạn trong nước và quốc tế. Nhiều người là bạn thân thì bất ngờ khi biết mình tham gia chương trình này, thỉnh thoảng cũng trêu chọc chút nhưng ai cũng rất hứng thú và tò mò.
Cảm ơn Quốc Anh. Chúc bạn trở thành 1 trong 4 người đầu tiên được chọn lên sao Hỏa!
Mars One là chương trình được khởi xướng bởi một doanh nhân Hà Lan với mục đích gây quỹ để áp dụng các công nghệ vũ trụ hiện có nhằm thiết lập trạm định cư đầu tiên của loài người trên sao Hỏa. Có 24 người trên thế giới sẽ được lựa chọn trong dự án này lần lượt được bay vào Sao Hỏa. Dự án trị giá 6 tỷ USD. Lộ trình của Mars One: - 2018: Phi thuyền thử nghiệm và vệ tinh viễn thông được đưa lên sao Hỏa - 2022: 6 phi thuyền chở nhu yếu phẩm được phóng lên. - 2023: Trạm định cư trên sao Hỏa được vận hành một phần. - 2024: Đội 4 người đầu tiên khởi hành lên sao Hỏa. - 2025: Nhu yêu phẩm cho nhóm thứ 2 sẽ đến vài tuần sau đó. |