Tại phiên họp ngày 12.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.
Báo cáo về vấn đề này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết: Về kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, có tổng số 47 người được lấy phiếu tín nhiệm, không người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội. Cụ thể: Số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên có 18 người (38,3%), số người có tỷ lệ phiếu cộng cả hai mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” đạt trên 50% có 29 người (61,7%), số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” từ 10% trở lên có 16 người (34%). Đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, đến nay HĐND của 63/63 tỉnh, thành phố đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người. Trong đó, có 689 người có tỷ lệ số phiếu “tín nhiệm cao” đạt 50% trở lên (chiếm 76%), 39 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” đạt 50% trên tổng số đại biểu (chiếm 4,3%), 2 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số đại biểu (chiếm 0,3%).
Qua công tác chuẩn bị và lần đầu tiên tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, một số kinh nghiệm, hạn chế được rút ra gồm: Văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn một số điểm chưa thật rõ ràng; một số địa phương do nghiên cứu chưa kỹ các văn bản, công tác chuẩn bị chưa chu đáo nên việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm còn lúng túng; một số vấn đề được quy định rõ ràng nhưng một số địa phương chưa chủ động nghiên cứu để vận dụng và hướng dẫn cấp dưới kịp thời, làm cho HĐND ở cấp huyện, xã lúng túng, phải lùi thời gian tổ chức thực hiện công tác này.
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: Việc năm nào cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm cần được cân nhắc kỹ bởi cũng cần có thời gian để họ sửa chữa, khắc phục hạn chế, thiếu sót nếu điều đó xảy ra. “Theo tôi thì việc lấy phiếu nên tổ chức 2 năm/lần. Nếu lấy phiếu nhiều quá thì có khi lại làm giảm quyết tâm, thậm chí dẫn đến sự cả nể giữa người bỏ phiếu và người được lấy phiếu” - ông Hiển nhấn mạnh.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì đề cập đến trách nhiệm của người bỏ phiếu. Cho biết báo cáo không đề cập đến trách nhiệm của người bỏ phiếu, ông Hiện đề nghị: “Cần đánh giá trách nhiệm của người bỏ phiếu. Việc đánh giá này là khó nhưng không thể không đánh giá vì điều này rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu”. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thì khẳng định, ngoài việc lấy phiếu theo quy định, khi các tỉnh, thành phố có vấn đề với người thuộc diện lấy phiếu nên tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm.