Ngành giáo dục một phen rúng động với clip các em học sinh lớp 7 đánh một bạn cùng lớp. Dù xã hội ta chẳng lạ gì với những clip bạo lực học đường nhưng vẫn rúng động bởi mức độ tàn bạo của nó. Những đứa trẻ 12 tuổi như những con thú man rợ đang xông vào cắn xé một đồng loại không được ai bảo vệ.
Nhưng điều đáng lo hơn là nó diễn ra khi có nhiều học sinh khác qua lại trong lớp hoặc ở ngoài cửa sổ. Nó diễn ra trước sự im lặng đáng sợ của các em. Các em đứng xem nhưng không ai lên tiếng can ngăn.
Tôi không nghĩ các em vô cảm, nhưng chắc hẳn khi đó tâm lý sợ hãi của các em ngự trị. Trong xã hội nào cũng thế, cái ác không phải là số nhiều. Nhưng nó sẽ được nhân lên nếu như lòng dũng cảm đi vắng và tâm lý sợ hãi lên ngôi. Đáng tiếc, tâm lý sợ hãi này lại là của đám đông.
2. Tâm lý của đám đông còn phổ biến hơn với hàng loạt lễ hội mở ra dày đặc trong một thời gian ngắn, tổ chức ngày càng hoành tráng làm sống lại tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Nhiều lễ hội đã không còn giữ đúng lễ nghĩa đã được lưu truyền hay ghi chép trong sử sách và hẳn nhiên như thế nó không đủ tầm để đáp ứng nhu cầu tâm linh của xã hội mà có lẽ nó đáp ứng điều khác: tâm lý đám đông.
Những lễ hội có các hành vi chém giết động vật, tranh cướp “lộc thánh”… nếu trước đây mang tính biểu trưng văn hóa thì nay lại mang tính thực dụng. Việc nhúng tiền vào máu động vật bị giết hay rải tiền lẻ ở đền, chùa để cầu may, đốt tiền vàng mã, nhét tiền “hối lộ” vào tay tượng Phật… Phần đông dù chẳng biết đúng sai thế nào, thấy đám đông làm nên lờ mờ rằng đó là điều cần thiết mình cũng phải làm theo. Đáng tiếc, tâm lý vụ lợi này lại cũng của đám đông.
3. Nhưng trong xã hội hiện nay, người ta dựa nhiều vào tâm lý đám đông, có lẽ khi tham gia giao thông là biểu hiện rõ nhất. Cứ nhìn đám đông ùn ứ trên đường sẽ thấy suy nghĩ “mình phóng lên trước, thằng kia chắc không dám lên”. Và khi hai người có tâm lý giống nhau, hoặc tắc đường, hoặc tai nạn sẽ xảy đến.
Không ở đâu như ở ta, tại nhiều ngã tư, việc dừng xe trước đèn đỏ lại là việc nguy hiểm nếu không có bóng dáng cảnh sát. Khi đó, hoặc ăn chửi, hoặc bị tông xe từ phía sau. Còn giảm tốc trước đèn vàng và dừng lại ở những giây đầu tiên của đèn đỏ lại là một việc làm cực kỳ nguy hiểm. Bản thân tôi mỗi lần quyết định làm điều đó cũng phải ngoái đầu ra sau để chắc chắn rằng không có xe to, nhất là xe buýt trên đà lao tới, mới dám dừng xe theo… luật.
Nhiều người mang tâm lý rằng nếu mình là người đầu tiên “tiếp cận” với đèn đỏ ở ngã tư có thể dính hậu quả. Vì thế cố tăng ga và những người sau sẽ cùng mình vượt lên và đều êm thấm và tâm lý này đã chiến thắng.
Bản chất của tâm lý đám đông là gì là điều mà các nhà khoa học, tâm lý học còn nghiên cứu nhiều. Nhưng ở một đất nước mà người ta có thói quen “nghĩ bụng” thì hành xử theo tâm lý đám đông không có gì lạ. Nghĩ bằng đầu, bằng trí óc chứ có ai “nghĩ bụng” đâu.