Dân Việt

Đường dây nóng của Bộ Y tế: Gần 70% gọi… thử

Diệu Linh 19/11/2013 15:45 GMT+7
Theo Bộ Y tế, để có hành lang pháp lý xử phạt cao hơn, Bộ sẽ ban hành Thông tư về quy tắc ứng xử trong thời gian tới.
Sau 10 ngày “chạy” thí điểm đường dây nóng của Bộ Y tế, có đến gần 70% cuộc gọi nhầm hoặc “kiểm tra xem máy có hoạt động không”.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường – Chánh Văn phòng – Bộ Y tế, trước khi Bộ Y tế chính thức công bố số điện thoại đường dây nóng chính thức (0973.306.306), Bộ đã “chạy thử” đường dây nóng trên báo Sức khỏe đời sống từ ngày 7.11.

Trong khoảng 10 ngày vừa qua, đường dây nóng đã nhận được gần 300 cuộc gọi của người dân. Tuy nhiên, chỉ có 31,3% cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận, còn lại 68,7% cuộc gọi do người dân nhầm máy, hoặc có người gọi kiểm tra hoạt động của đường dây hay ngoài phạm vi tiếp nhận.

Nội dung của các cuộc gọi đúng tập trung vào các vấn đề như: việc làm sai quy định, nội vụ tại các cơ sở y tế; phản ánh chuyên môn và trách nhiệm của y bác sĩ; phản ánh về nội quy, quy định của sở y tế; về gian lận, hối lộ, khiếu nại…

Trong đó, có tới 23% cuộc gọi của người dân phản ánh gay gắt về viện phí và các khoản thu không đúng quy định tại các cơ sở y tế; thái độ thờ ơ, trịnh thượng của đội ngũ y bác sĩ và một số kết quả khám, siêu âm gây nghi ngờ, hoang mang cho người dân.

imgNgười nhà bệnh nhân vẫn bức xúc với nhiều dịch vụ y tế. Liệu họ có "dám" gọi đến đường dây nóng của Bộ?

Không chỉ cấp bộ có đường dây nóng mà các khoa phòng, bệnh viện và sở Y tế đều phải có các đường dây nóng để người dân phản ánh vấn đề trong khám chữa bệnh. Nếu thuộc trách nhiệm của khoa, của bệnh viện thì lãnh đạo các bộ phận đó phải xử lý. Nếu sở nhận được cuộc gọi phản ánh thì phải chỉ đạo bệnh viện xử lý ngay…


PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, toàn ngành y tế đang duy trì 1.140 đường dây nóng ở các tuyến y tế.

TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, để việc thực hiện tiếp nhận và xử lý các cuộc gọi được thông suốt, hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo chỉ thị về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh từ người dân về chất lượng khám chữa bệnh qua đường dây nóng.

Theo đó sẽ có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các Sở Y tế; các Cục, Vụ, cơ quan liên quan của Bộ Y tế. “Chỉ thị nhằm chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế và “phản ứng nhanh” với các tình huống khẩn cấp, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với ngành Y”, TS Khuê cho biết.

Theo Dự thảo, đối với cá nhân và bộ phận bị phản ánh tùy theo từng trường hợp cụ thể, bệnh viện phải có biện pháp xử lý như: phê bình, nhắc nhở trước giao ban bệnh viện; trừ thu nhập tăng thêm; thuyên chuyển vị trí công tác; các hình thức kỷ luật khác theo quy định của Pháp luật. Để “nói có sách, mách có chứng”, các bệnh viện cũng cần tăng cường nhiều biện pháp khác như đặt camera giám sát, hòm thư góp ý, lập bộ phận chăm sóc khách hàng…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Nếu như các vấn đề xác đáng mà người dân phản ánh lên bệnh viện mà không được giải quyết thỏa đáng thì người dân có thể gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế”.

Ngoài ra, để có hành lang pháp lý xử phạt cao hơn, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư về quy tắc ứng xử trong thời gian tới.

Bạn là bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân, bạn có sẵn sàng gọi vào đường dây nóng để phản ánh các tiêu cực mà bạn thấy ở bệnh viện?

img img
img