Bộ đôi tiền đạo mà HLV Miura sử dụng từ đầu ở 2 trận giao hữu gần đây với Hà Nội T&T và U23 Indonesia là cặp Văn Toàn- Văn Thành. Công Phượng ở cả hai trận đấu này đều được tung vào sân khi hiệp 2 bắt đầu và đều có 45 phút không đến nỗi tồi. Thậm chí ở trận đấu với Hà Nội T&T, cầu thủ người Nghệ An còn có được 1 bàn thắng.
Việc HLV người Nhật không xếp Công Phượng đá ngay từ đầu có thể do HLV này có cái lý riêng của mình, nhưng cũng có thể, đây là cách mà ông thầy người Nhật muốn sử dụng tiền đạo 20 tuổi như một vũ khí chiến lược, hoặc như một quân bài tẩy và sử dụng khi đối thủ quên mất anh, khi trận đấu cần được giải quyết.
Công Phượng thường đá ở vị trí "số 10" trong các buổi tập.
Ở cả hai trận giao hữu này, Công Phượng đều được HLV Miura bố trí đá ở vị trí cầu nối giữa tiền đạo cắm và hàng tiền vệ. Vị trí này trong bóng đá thường được gọi là vị trí "số 10". Với những cầu thủ "số 10" này, tốc độ, sự chính xác, sức mạnh, khả năng di chuyển, sự bùng nổ cần thiết là những điều cần có. Mà những yếu tố này đều hội tụ đủ trong Công Phượng.
Việc xếp Công Phượng đá như vậy hoàn toàn có thể giúp HLV Miura khai thác tối đa khả năng vốn có của anh. Vị trí này của Công Phượng tựa như vị trí mà Rooney để lại dấu ấn ở M.U. Anh chủ yếu làm vai trò của một chân kiến tạo cho Van Persie lập công và đôi khi là cú đấm từ phía sau hơn là đóng vai trò của một tiền đạo cắm.
Thêm nữa, việc Xuân Trường chấn thương và gần như không thể góp mặt trong đội hình của HLV Miura buộc HLV này phải tìm kiếm một cái tên phù hợp để cùng với Tuấn Anh tạo ra một cặp tiền vệ tấn công chất lượng. Và Công Phượng là cái tên hoàn toàn phù hợp để lấp vào chỗ trống mà người đồng đội trong màu áo HAGL để lại.