Dân Việt

Thạc sĩ Lê Thị Kim Loan: Lễ hội chọi trâu tôn vinh sức mạnh cộng đồng

Hồng Vân (thực hiện) 13/03/2015 07:00 GMT+7
Xung quanh việc  gần đây có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc tổ chức các lễ hội liên quan đến động vật, trong đó có lễ hội chọi trâu, NTNN đã có cuộc trò chuyện thạc sĩ Văn hóa học Lê Thị Kim Loan - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Thưa bà, vừa qua Báo NTNN đã tổ chức rất thành công Hội chọi trâu tại Bắc Ninh. Và ngày 14-15.3 tới đây, Lễ hội chọi trâu Báo NTNN-Phúc Thọ 2015 cũng sẽ diễn ra. Bà có thể cho biết ý nghĩa của lễ hội này trong đời sống văn hóa của người dân Việt?

img

 Thạc sĩ Lê Thị Kim Loan khẳng định không có lý do gì để cấm lễ hội chọi trâu.  H.V


- Ở Việt Nam có rất nhiều lễ hội chọi trâu, có lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lào Cai… Hiện nay, hội chọi trâu ở Vĩnh Phúc đã bị mai một, và nhìn rộng ra thì gần như người ta phải phục dựng lại lễ hội chọi trâu ở khu vực miền Bắc. Thực ra, lễ hội chọi trâu là để tôn vinh sức mạnh của cộng đồng. Ở miền Bắc, lễ hội này liên quan tới tục hiến sinh, nghĩa là dùng một con vật thiêng để cúng tế trời đất. Đó cũng chính là bản chất của lễ hội chọi trâu. Với mỗi vùng miền, lễ hội sau khi biến đổi sẽ dần phù hợp với tâm thức của người dân vùng đó.

Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị và ý nghĩa của lễ hội chọi trâu đối với đời sống văn hóa của người dân trong quá khứ. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng với đời sống hiện đại, những lễ hội này cần có sự thay đổi. Quan điểm của bà thế nào?

- Đã gọi là phong tục tập quán thì nó mang tính ổn định, còn đời sống thực thì lại luôn mang tính biến động. Lễ hội nằm ở giữa đời sống thực và phong tục tập quán đó. Theo tôi, lễ hội sẽ tự điều chỉnh. Để biến đổi phong tục tập quán nào đó không phải là việc ngày một ngày hai, mà phải rất từ từ và có độ trễ, điều chỉnh từng phần một. Người ta sẽ dùng các phép thử, nếu thử như thế này để phù hợp với xã hội đương đại nhưng cộng đồng không chấp nhận và phản đối thì người ta lại thử theo cách khác, đó là cái điều chỉnh tự của cộng đồng.

Đó là về phía cộng đồng, còn về phía cơ quan quản lý nhà nước thì sao thưa bà?

Quan điểm

Thạc sĩ Lê Thị Kim Loan
   Có điều cần lưu ý là chúng ta không cổ xúy cho những hành vi như giết con trâu giữa bàn dân thiên hạ.
Còn khi người ta thấy quá nhiều hình ảnh phản cảm thì tự nhiên họ sẽ điều chỉnh”.   
- Kể cả những người làm công tác quản lý nhà nước cũng phải tiến hành điều chỉnh lễ hội một cách từ từ, từng bước một và cũng phải đưa ra các phép thử. Họ có thể thử dư luận nói chung nhưng quan trọng nhất là thử ở chính cộng đồng và xem mức độ phản ứng của họ như thế nào? Họ có sẵn sàng chấp nhận nó không? Tỷ lệ bao nhiêu phần trăm?

 

Có những người bên ngoài người ta tiếp nhận nhưng mà sâu thẳm bên trong tâm tư họ không chấp nhận. Vì vậy, những người làm công tác quản lý cũng phải suy nghĩ đưa ra rất nhiều phương án. Nhưng các phương án đều phải xuất phát từ ý nghĩa nhân văn đối với cộng đồng.

Đứng ở góc độ là một chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa lễ hội, theo bà lễ hội chọi trâu còn những vấn đề gì cần bàn thêm nữa không?

- Lễ hội chọi trâu không phải là một cái gì đó quá man rợ, ngay cả không có lễ hội này đi chăng nữa thì những người đi chăn trâu, những đứa trẻ đi chăn trâu họ vẫn chứng kiến đầy cảnh hai con trâu chọi nhau. Hai con trâu chúng mọc sừng, chúng ngứa sừng rồi ghẹ nhau, chọi nhau đó là điều rất tự nhiên. Vậy tự nhiên thì cấm gì? Khi hai con trâu chọi nhau xong đáng nhẽ người ta giết thịt nó một cách kín đáo thì bây giờ chọi ở giữa cộng đồng, người ta sẽ giết ở giữa cộng đồng. Tôi thấy nó là việc hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống thì cứ để cho nó diễn ra thôi.

Xin cảm ơn bà!