TS Lê Đức Thịnh cho biết: Luật Hợp tác xã (HTX) có 2 điểm mới, đó là đã xác định lại bản chất của HTX và luật hóa các chính sách mà Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh tế hợp tác nói chung và HTX nói riêng. Nếu trước đây, khái niệm HTX là phải kinh doanh có lãi giống như một doanh nghiệp (DN) nên các quy định cũ luôn lấy tiêu chí lời lãi để đánh giá mức độ hiệu quả của HTX, thì Luật HTX đã xác định bản chất của HTX là tập hợp của con người chứ không phải tập hợp của vốn. Luật HTX đã xác định HTX là một tổ chức kinh tế tập thể, mang tính kinh tế tương trợ, mang lại lợi ích cho thành viên.
HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Phương, Đông Hưng, Thái Bình. |
Nghị định 88/2005 quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nhưng thực tế lại không chi tiết hóa được, còn Luật HTX đã quy định rõ hỗ trợ những hoạt động cụ thể, bắt buộc cả T.Ư và địa phương phải bố trí vốn đề hỗ trợ HTX phát triển.
Ngoài những tiến bộ như trên, theo ông Luật HTX còn có những hạn chế gì và khi triển khai liệu có vướng mắc?
- Trước tiên, phải khẳng định Luật HTX của chúng ta đã được Liên minh HTX quốc tế thừa nhận có tính ưu việt và thể hiện bản chất của HTX rất rõ. Tuy nhiên, Luật HTX dù tiến bộ vẫn còn một số điểm hạn chế. Thứ nhất, sau khi Quốc hội thông qua, nhiều người lo ngại, bởi chiểu theo luật, có khoảng hơn 30% số HTX, tức khoảng 8.700 trong gần 19.000 HTX phải giải thể, phải chuyển đổi hình thức hoạt động hoặc phải đăng ký lại.
Một hạn chế khác là, luật quy định khu vực HTX là pháp nhân, nhưng ở vùng nông thôn kinh tế hợp tác chủ yếu nằm ở tổ hợp tác, còn các HTX rất ít. Hiện cả nước chỉ có 7.000 HTX nông nghiệp, trong khi tổ hợp tác có khoảng 370.000 đơn vị, trong đó lĩnh vực nông nghiệp cũng khoảng hơn 100.000. Dù tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân, nhưng lại là “mầm mống” có thể phát triển thành HTX. Nếu như chúng ta bỏ lơ khu vực này sẽ không tạo ra sự liên tục trong phát triển kinh tế tập thể.
Lâu nay câu chuyện “được mùa mất giá” và việc liên kết nông dân với DN vẫn cứ luẩn quẩn chưa giải quyết được. Theo ông, Luật HTX có góp phần giải quyết được vấn đề này?
- Đúng là câu chuyện làm thế nào để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và liên kết nông dân với DN cứ luẩn quẩn chưa có phương án giải quyết. Nguyên nhân sâu xa là chưa được xác định đúng bản chất là muốn liên kết phải có tổ chức của nông dân đích thực. Hiện nay, các giải pháp không đi vào đúng bản chất, cứ loay hoay hỗ trợ giá và liên kết, nhưng không hề đặt ra là hỗ trợ thế nào và liên kết ai với ai, liên kết thế nào.
Tôi có thể khẳng định, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân là không thể, vì hỗ trợ trực tiếp tới nông dân thì chi phí trực tiếp là quá lớn. Ví dụ, mua thóc gạo tạm trữ, không thể hỗ trợ cho hơn 1 triệu hộ mà mỗi hộ lại có diện tích, sản lượng khác nhau. Mặt khác, nếu thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thì lại vi phạm cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các sản phẩm của nông dân xuất khẩu sẽ luôn bị kiện bán phá giá, nên chỉ có cách tốt nhất là hỗ trợ qua các tổ chức của nông dân như HTX. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít HTX là các tổ chức đích thực của nông dân, đa phần còn lại là các tổ chức HTX “giả” không phải là bản chất của liên kết.
Cụ thể, các HTX “giả” ở đây là như thế nào?
- Hiện nay có nhiều liên kết không phải xuất phát từ chính nhu cầu của nông dân. Ví như các tổ hợp tác, HTX do DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lập nên và do dự án thành lập. Bản chất của các tổ hợp tác hay HTX này chỉ phục vụ cho chính dự án đó và khi dự án kết thúc, các tổ chức của nông dân cũng không còn. Còn đối với các tổ chức do các DN lập ra, như các HTX chăn nuôi, trồng trọt, gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài, bản chất của liên kết này là làm cho nông hộ trở thành “tế bào” của DN.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân