Dân Việt

Chủ tịch Đà Nẵng ký cải tạo đất trước 2 ngày hưu: Đình chỉ hoạt động cải tạo mặt bằng

Đình Thiên 13/03/2015 10:29 GMT+7
Gần đây dư luận Đà Nẵng xôn xao việc trước khi về hưu (31.12.2014), ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch thành phố Đà Nẵng đã ký liên tiếp các văn bản chỉ đạo các sở ban ngành cùng UBND huyện Hoà Vang cho phép một số doanh nghiệp cải tạo đất nông nghiệp thực tế là múc đất bán cho nhà máy gạch và bán làm vật liệu san lấp mặt bằng.

Đồng quê bị cày xới

Ngày 11.3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức họp khẩn dưới sự chủ trì của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng,  xử lý tình trạng xúc đất nông nghiệp đem bán đang diễn ra rầm rộ trên địa bàn huyện Hoà Vang.

Sau cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ ký quyết định số 1732 gửi hoả tốc tới Sở Tài nguyên môi trường (TNMT), UBND huyện Hoà Vang, Công an thành phố yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động cải tạo mặt bằng đất đồi gò để sản xuất nông nghiệp, hoạt động cải tạo đất nuôi trồng thuỷ sản, tận dụng đất sét để cung cấp cho các nhà máy gạch tại xã Hoà Phú (huyện Hoà Vang).

Từ trước Tết nguyên đán 2015,  nhiều người dân sống trên tuyến đường ĐT604 và QL14B (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) đã phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi nghiêm trọng bởi các đoàn xe tải ngày đêm qua lại. Những đoàn xe này ra vào để chở đất từ các xã Hoà Phú, Hoà Phong…huyện Hoà Vang (Đà Nẵng).

 img

Xe tải xếp hàng từ ngoài đường lớn để chờ vào chở đất trong thôn Hoà Phước

 

Tại xã Hoà Phú, hàng ngàn m2 đất ruộng, đất đồi gò đang được các xe máy đào, xúc đổ vào đoàn xe tải đang chờ sẵn để chở đi cung cấp vật liệu san lấp cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và bán vật liệu cho nhà máy sản xuất gạch men. “Những cánh đồng thẳng cánh cò bay giờ toàn hố bom” - ông Nguyễn Trung, thôn Hoà Phước, (Hoà Phú) nói.

Tại thôn Hoà Phước và Hoà Nhơn (xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang) các hộ dân có đất đã thoả thuận với 2 doanh nghiệp gồm Thịnh Quốc Phong và Thịnh Phú Lâm để “biến hoá” đất cải tạo thành miếng mồi ngon trị giá tiền tỷ.

Ông Trần An (trú thôn Hoà Phước, Hoà Phú) cho hay:" Sau khi UBND thành phố đồng ý cho người dân được cải tạo đất, các doanh nghiệp đã thoả thuận với nhiều hộ dân mua đất với giá 25-30 triệu đồng/sào".

Còn ông Nguyễn Đức Đăng Khoa, Giám đốc doanh nghiệp Thịnh Quốc Phong cho biết: "Doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán vật liệu san nền cho dự án đường cao tốc với sản lượng gần 100.000 m3 với giá 5 tỷ đồng".

Không qua sở Tài nguyên - Môi trường

Được biết, ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký một số văn bản gửi cho các sở ban ngành và UBND huyện Hoà Vang cho phép một số cá nhân được cải tạo mặt bằng đất đồi gò, vận chuyển đất sét dư thừa trong quá trình cải tạo đất nuôi trồng thuỷ sản dựa trên tờ trình của Phòng TNMT huyện Hoà Vang mà không qua cơ quan tham mưu quan trọng nhất là Sở TNMT.

Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TNMT thành phố Đà Nẵng, UBND huyện Hoà Vang hoàn toàn không trình bất cứ văn bản nào liên quan đến việc xin cải tạo đất đồi gò, đất nuôi trồng thuỷ sản ở xã Hoà Phú cho Sở. “Họ tự trình thẳng lên UBND thành phố và thành phố xét duyệt. Ngoài ra, trong danh sách các công ty được cấp phép khai thác không có tên công ty Thịnh Quốc Phong và Thịnh Phú Lâm” – theo ông Điểu.

Ngày 12.3, làm việc với PV NTNN, ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, anh Chiến ký các quyết định trên 1, 2 ngày trước khi về hưu là đúng với thẩm quyền Chủ tịch UBND thành phố.

Việc UBND huyện Hoà Vang gửi thẳng tờ trình xin thành phố cho cải tạo đất không qua Sở TNMT vẫn đúng với quy trình. Còn sự việc khai thác đất như trên là sai nên chúng tôi đã lập biên bản và cho dừng ngay. Các cấp sở tại như UBND xã Hoà Phú, UBND huyện Hoà Vang đã làm việc thiếu trách nhiệm. Thời gian tới xét thấy các chủ trương của anh Chiến ban hành nếu không phú hợp có thể UBND thành phố sẽ thu hồi.
 
img

 Xe tải liên tục ra vào thôn Hoà Phước chở đất đi bán.

 
img

Cánh đồng Hoà Phú tan hoang