Trâu chọi sướng như “ông hoàng”
Một con trâu chọi xuất sắc phải hội tụ rất nhiều yếu tố, ngoại hình, thể chất, đòn miếng, tinh thần chiến đấu… Tuy nhiên, để chọn được một "ông trâu" ưng ý không hề đơn giản, giới mê chọi trâu thường mất rất nhiều công sức, tiền của khi đi “săn”. Vì vậy, khi đã “yêu” một “chiến ngưu” nào đó thì chủ trâu chăm sóc, nâng niu như ông hoàng, với mong muốn biến nó thành chiến binh “bách chiến, bách thắng".
Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện chăm sóc trâu, anh Nguyễn Văn Hòa (32 tuổi, xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội), chủ trâu số 74 cho biết, gia đình anh đang nuôi đàn trâu khoảng 30 con trâu lớn nhỏ. Tuy nhiên, chế độ chăm sóc trâu chọi hoàn toàn khác với trâu thường, vì chúng cần một chế độ thức ăn đặt biệt để đạt được sức khỏe tốt nhất.
Anh Nguyễn Văn Hòa (32 tuổi, xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội), chủ trâu số 74
Theo anh Hòa, ngoài việc được ăn các loại cỏ voi, rơm, cây ngô, “chiến ngưu” 74 còn được ăn bổ sung thêm mật mía, lúa xay nát, thuốc B1, mật ong. Mới 1 năm kể từ khi được anh Hòa đón về từ Sơn La, ông trâu 74 đã xơi mất mấy tạ mật mía. Được chăm sóc như ông hoàng nên từ một chú trâu khá gầy, đến nay trâu 74 đã ra dáng một “chiến ngưu” thiện chiến.
Trong khi đó, chủ trâu số 54, ông Đinh Văn Tư (Phúc Thọ, Hà Nội), người vừa có ông trâu số 24 vô địch hội Chọi trâu Báo NTNN – Phú Sơn, Bắc Ninh 2015 cho biết, hằng ngày, ông cho trâu uống một bát mật ong để cải thiện tiêu hóa. Xen kẽ những giờ tập luyện thể lực, ông Tư cho trâu ăn cỏ voi, mật mía, 200 viên B1/ngày… thậm chí cả mật gấu.
Cho trâu nghe nhạc mỗi bữa ăn
Theo giới chơi trâu chọi, một “chiến ngưu” đẹp phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn như mình chắm, cổ cò, lông đen tuyền, sừng hướng tiền, chân to, móng khép, đuôi chấm kheo, mắt nhỏ đỏ ngầu, lông mi dày, trâu có 2 hai thiều giữa trán... Đặc biệt, trâu già tuổi thì sức bền và độ can trường càng cao.
Ông Đinh Văn Tư, chủ trâu số 24 vô địch Hội Chọi trâu báo NTNN – Phú Sơn, Bắc Ninh 2015
Ông Đinh Văn Tư, chủ trâu số 54, cho rằng, yếu tố ngoại hình khi chọn trâu rất quan trọng, nhưng muốn ông trâu bách chiến bách thắng, chủ trâu cũng cần phải bỏ công rèn luyện cho trâu.
Hằng ngày, ông Tư cho trâu ra sông bơi lội khoảng 4km để giúp cơ bắp săn chắc, tăng cường thể lực. Ngoài ra, để trâu có khả năng chịu được lực va đập lớn khi đối phương ra đòn "hổ lao", ông cho trâu húc bờ đất và tập các bài càng hầu.
Trong khi đó, để rèn thể lực cho trâu, anh Nguyễn Văn Hòa lại chọn cách lấy dây thừng buộc cây chuối hoặc khối bê tông rồi cho “ngưu ông” 74 kéo lê trên đường đất.
Anh Đàm Thanh Văn (46 tuổi) chủ trâu số 37 đến từ Sơn Dương (Tuyên Quang) thậm chí áp dụng cả kỹ thuật hiện đại vào công tác huấn luyện trâu. Anh Văn kể, ngày mới mua, ông trâu 37 rất nhát khi ở chốn đông người, vì thế anh Văn phải mua riêng một bộ quần áo màu đỏ sặc sỡ thường mặc trong lễ hội, rồi hằng ngày dắt trâu đi dạo quanh chợ để trâu quen nơi đông người. Đến khi cho ăn, anh Văn đánh chiêng trống, bật nhạc thật to để trâu dạn với tiếng ồn, không cảm thấy sợ và bị phân tâm khi vào sới có hàng vạn người hò reo.
Để trâu dạn với tiếng ồn và quen nơi đông người, hàng ngày anh Văn cho ông trâu số 37 nghe nhạc
Để trâu thực hiện thuần thục miếng đánh cáng hầu, chẹn hầu sở trường và be đòn phản công của đối thủ, hằng ngày, anh Văn tập cho trâu húc vào bụi chuối. Khi tập, anh Văn luôn buộc dây thấp, bắt trâu cúi thấp đầu sát đất để dễ phòng thủ nhưng cũng lợi cho tấn công. Anh Văn cũng cho trâu lội kéo vật nặng trên đất lầy để cải thiện độ bền thể lực và giúp trâu quen giữ thăng bằng khi giằng co với đối thủ trên sới.