Dân Việt

Thực hư chuyện bé 1 tháng tuổi biết nói

Nguyễn Đức – Công Phương 13/03/2015 19:00 GMT+7
Mấy ngày gần đây, trên mạng xuất hiện thông tin bé gái một tháng tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội biết nói khiến nhiều người tò mò, bàn tán xôn xao.

Để tìm hiểu thực hư về câu chuyện này, phóng viên đã về thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm (Thạch Thất, Hà Nội) gặp gia đình cháu bé.

img

Cháu bé một tháng tuổi biết nói ở thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm: Ảnh gia đình cung cấp

Gia đình bất ngờ khi thấy bé một tháng tuổi biết nói

Ông Kiều Hạnh, ông ngoại của cháu Cún (tên thường gọi ở nhà) cho biết: “Khi Cún được 1 tháng 3 ngày tuổi, vợ tôi có nói với tôi là cháu Cún biết nói. Lúc đầu tôi không tin, còn cho đó là ảo giác, nhưng khi tôi lại gần Cún hỏi thì thấy cháu bập bẹ gọi tiếng mẹ, sau đó gọi mẹ ơi; bà ơi; bố ơi. Sau đó vài ngày Cún bắt đầu nói nhiều và rõ tiếng hơn.”.

“Hiện tại Cún được 6,6 kg và nói rõ ràng tiếng ông ơi; bà ơi hơn. Thậm chí, lúc tôi đặt Cún ở giường cùng tôi xem đá bóng thì thấy Cún thích thú, cười to”, ông Hạnh nói thêm.

img

 

Ông Kiều Hạnh, ông ngoại của cháu bé

Ông Hạnh cho biết thêm, chị Hương được bác sĩ chỉ định mổ ở tháng thứ 8 tại Bệnh viện 198 ở Hà Nội. Khi sinh Cún được 2,5kg. Cún sinh ngày 13.12. 2014. Dù sinh thiếu tháng nhưng Cún khỏe mạnh, rất ngoan.

Theo ông Hạnh, bố mẹ cháu bé đều là những người bình thường. Bố cháu sinh năm 1984, người làng Bùng, xã Phùng Xá và hiện đang là công nhân viên chức của Nhà nước. Mẹ cháu là nhân viên công ty chuyên phân phối về điện tử ở Hà Nội.

Ông Kiều Văn Ngọ (74 tuổi), hàng xóm của gia đình ông Hạnh cho hay, lúc đầu ông cũng không tin rằng bé gái một tháng tuổi biết nói. “Nhưng khi tôi sang nhà chơi với Cún và bảo bé gọi thì bé bập bẹ tiếng bà ơi; mẹ ơi rất rõ. Tôi và nhiều người khác vô cùng ngạc nhiên”, ông Ngọ nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Kiều Trung Thành, trưởng thôn Yên Lạc cho biết, khi nghe thấy nhiều người dân đồn thổi bé gái một tháng tuổi ở trong thôn biết nói ông đã sang tận nhà tìm hiểu thực hư.

“Khi bé được gần 2 tháng tuổi, tôi sang nhà chơi thì nghe thấy Cún gọi tiếng mẹ ơi; bố ơi”, ông Thành chia sẻ.

Không cho phóng viên quay clip vì sợ bé bị... ảnh hưởng

Ngày 13.3, khi phóng viên đến gia đình nhà ông Kiều Hạnh ở thôn Yên Lạc, dù có người ở trong nhà, nhưng cửa cổng vẫn đóng, then cài. Phóng viên tiếp tục tìm đến nhà ông Kiều Trung Thành, trưởng thôn để hỏi thông tin thực hư sự việc.

Ông Thành xác nhận có thông tin bé gái một tháng tuổi biết nói, nhưng từ chối đưa phóng viên sang nhà cháu bé vì lý do mấy ngày nay cũng dẫn nhiều đoàn sang nhà ông Hạnh thăm cháu Cún, gia đình đều từ chối gặp.

Lần thứ hai phóng viên lại gia đình ông Kiều Hạnh, lúc này ông Hạnh đồng ý tiếp phóng viên. Tuy nhiên, ông Hạnh đưa ra yêu cầu chỉ ngồi uống nước nói chuyện, không chụp ảnh, quay phim cháu Cún. Ông Hạnh nói rằng, gia đình ông không muốn người lạ tiếp xúc với cháu bé vì sợ cháu bị ảnh hưởng.

Ông Hạnh nói thêm: “Mấy ngày nay cũng có nhiều đoàn, phóng viên đến gặp gia đình nhưng chúng tôi từ chối tiếp vì sợ cháu bé bị ảnh hưởng. Mặt khác, cháu bé còn nhỏ, chúng tôi muốn để cho cháu bé phát triển bình thường”.

Phóng viên đề nghị chị Kiều Thị Hương (mẹ của Cún) được vào thăm Cún, nhưng chị Hương từ chối. Chị Hương nói: “Không có gì đâu, cháu bé mới chỉ bập bẹ, chưa nói rõ ràng. Phóng viên đừng quay phim hay chụp ảnh mà làm cháu sợ”.

Trước khi chúng tôi ra về, gia đình có cung cấp một số video cho rằng cháu Cún nói bập bẹ tiếng mẹ ơi; bà ơi; bố ơi. Nhưng khi xem video, phóng viên chỉ thấy tiếng “ê”; “a” của cháu Cún. Một số âm khác không rõ tiếng.

Dưới đây là video về cháu bé 1 tháng, 3 ngày tuổi được cho là biết nói do gia đình cung cấp:


Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông đã xem clip “Trẻ một tháng tuổi biết nói” nhưng ông cho rằng đây không thể gọi là "tiếng nói".

"Tôi thấy đó chỉ là những tiếng 'ê' 'a' mà chúng ta thường thấy ở trẻ con”, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.

Ông Dũng cũng cho biết, trong y văn thế giới, chưa bao giờ có trường hợp nào 1 tháng tuổi đã biết nói. Theo ông hiện nay, khi trẻ ra đời được tiếp xúc ngay với người mẹ, môi trường xung quanh người thân, trẻ có thể phát triển ngôn ngữ sớm hơn so với những đứa trẻ khác nhưng cũng không thể nói được lúc 1 tháng tuổi.

Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu tiềm năng con người, đến thời điểm này Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người chưa ghi nhận trường hợp nào có khả năng đặc biệt như vậy. Với những trẻ có biểu hiện hiện vượt hơn các bạn cùng tuổi thì vẫn là một đứa trẻ. Cha mẹ cần bình tĩnh để con phát triển toàn diện thay vì tập trung khai thác quá mức khả năng của con, chú ý đặc điểm lứa tuổi của con và cho trẻ khám phá thế giới xung quanh thay vì cứ hướng trẻ theo thế mạnh của trẻ.

                                                                                                         Diệu Thu