Dân Việt

Khen - chê “Làng ma 10 năm sau”

27/12/2013 07:05 GMT+7
Bộ phim “Làng ma 10 năm sau” phát sóng trên VTV1 đang thu hút sự chú ý của khán giả từ thành thị đến nông thôn. Xung quanh bộ phim có 2 luồng ý kiến khen - chê khá rõ nét.
Nhà văn Nguyễn Hiếu (Hà Nội):Chưa thỏa mãn

Nghe báo chí, dư luận trong nghề nói trước khi chiếu, nên tôi háo hức đợi chờ xem phim “Làng ma 10 năm sau” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Nhưng mới xem được 5 tập, vì sợ không đủ sự kiên nhẫn xem trọn nên buộc tôi phải viết ra đây những cảm nhận của mình.

Cảnh trong phim “Làng ma 10 năm sau”.
Cảnh trong phim “Làng ma 10 năm sau”.

Tôi có cảm giác tác giả (cả biên kịch và đạo diễn) “Làng ma 10 năm sau” dường như không hiểu gì nông thôn, nông dân và những vấn đề nổi cộm đang gây bức xúc cho giai cấp đông nhất và cũng vất vả nhất nước ta hiện nay. Vấn đề thành thị hoá một cách nhanh chóng đang giết dần nông thôn cả hình thức, tập tục, “đất lề quê thói”.

Người nông dân đang mất đất và trở thành kẻ thất nghiệp trên chính mảnh đất của mình. Vấn đề băng hoại đạo đức truyền thống ở nông thôn đã không được đề cập đến. Phim chỉ như một sự minh hoạ thô thiển các chỉ đạo về tam nông ở khía cạnh “làm sao cho người nông dân có thể làm giàu”. Vì không am hiểu đến cốt lõi hiện thực của nông thôn và người nông dân hiện nay nên đến 5 tập phim, tác giả vẫn để anh chàng Ất –cứ lang thang một cách phi lý hết ở làng, rồi lại lên huyện.

Có lúc tôi cảm giác như tác giả bí chuyện nên nhiều tình huống kéo dài, lặp lại đến nhàm chán. Trong tập 4 có đến hai cuộc họp hết ở huyện lại chuyển về xã và đều cùng một mô típ “hết phát biểu trong hội nghị rồi lại ra hành lang bàn tán”. Một điểm nữa. Sự kiện mở đầu của phim cũng cực kỳ phi lý. Một anh thanh niên đi khỏi làng 10 năm rồi tự nhiên về làng trong đêm tối và ra nghĩa địa để vái lạy bố. Hành vi này minh hoạ sự phiếm chỉ thần kinh không bình thường, nhưng sau đó lại mâu thuẫn với vẻ ngoài điềm đạm, tử tế đến cứng nhắc của Ất.

Nhìn bối cảnh phim có núi có non như một ngôi làng miền núi nhưng tên gọi các nhân vật thì cố tình “nôm hoá” như một ngôi làng bị tù đọng, khu biệt với sự phát triển xã hội như Hò, Ló, Hẹn... mà dân làng, cơ sở kinh tế từ nhà cửa đến mấy cửa hàng lại giống hệt như làng, xã ngoại thành đang bị đô thị hoá.

Đã 5 tập phim trôi qua mà khán giả vẫn không hiểu chuỵên xảy ra như thế nào khiến tôi có cảm giác tác giả kịch bản hình như đọc báo rồi nhặt được một mảnh nào tin tức về nông thôn rồi ghép lại. Phim cũng ít nhiều như sân khấu “có tích mới dịch nên trò” nhưng đã 5 tập vẫn chưa hình thành “tích” khiến cho đạo diễn không thi thố nổi một trò gì tạo ra đường nét của chuyện phim và các diễn viên kể cả những diễn viên có tay nghề cao như Trung Hiếu cũng không có đất diễn mặc dù anh đã cố hết sức bộc lộ khả năng nghề của anh.

Bà Lê Thị Sắc (xã Quảng Đông, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa): Tiếc cho nhân vật chủ tịch xã

Lâu lắm rồi mới lại được xem một bộ phim về nông thôn hay và sát thực về nông thôn đến vậy. Cả nhà tôi cứ đến giờ là lại chăm chú, tập trung ngồi xem, và bình luận về các nhân vật. Cô Ló là nhân vật đanh đá nhưng lại rất hài hước, còn cô con gái thì thật tồ giống như con nhà tôi. Tuy nhiên tôi cũng hơi tiếc về nhân vật ông chủ tịch xã, kịch bản xây dựng hơi quá, dù có buồn nản, hay tiêu cực cũng ít ai bê bết đến mức ấy. Và phim cũng cường điệu ở chỗ, dù có không thích, thì người dân nông thôn cũng không bao giờ thể hiện sự coi thường quá với ông chủ tịch xã như trong phim.

Ông Hoàng Văn Thùy (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội):Thấy nông thôn trong đó...

33 tập phim “Làng ma 10 năm sau” đang phát sóng lúc 20 giờ 30 các ngày thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1 bắt đầu từ 6.12. Phim là câu chuyện tiếp theo về làng Bâm Dương trong phim “Ma làng” sau 10 năm. Phim do đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần viết kịch bản và đạo diễn.

Mặc dù bộ phim mới chiếu chưa được 10 tập, nhưng “Làng ma 10 năm sau” đã cuốn hút tôi từng tập một. Mỗi tập, tôi lại nhìn thấy cuộc sống của người nông thôn ở đó. Tôi thích thú với các vai diễn như cô Ló, anh Dỏ, cháu Hò, cháu Hẹn… Các diễn viên thể hiện đúng tính cách của các bạn trẻ nông thôn bây giờ, năng động lắm.

Ông Nguyễn Xuân Nhị (xã Quảng Đông, Quảng Xương, Thanh Hóa):Thể hiện đúng về lớp trẻ

Từ hôm VTV 1 phát sóng phim “Làng ma 10 năm sau”, hôm nào cũng đúng 8 giờ 30 là tôi ngồi xem và chưa bỏ sót một tập nào. Làm việc gì thì làm, nhưng đến đúng giờ đó, là tôi gạt hết công việc khác để ngồi xem phim. Có một điều tôi rất tâm đắc trong phim, là bây giờ xã hội hiện đại, tiên tiến hơn thời của tôi, nên trẻ con cũng khôn ngoan và biết nghĩ hơn thời chúng tôi. Và trong phim, các cháu, thế hệ trẻ đúng là rất biết suy nghĩ cũng như tìm cho mình một con đường đi đúng đắn. Thanh niên làng tôi cũng vậy, không chỉ chăm học, ngoan ngoãn giúp bố mẹ, ông bà việc đồng áng, chúng nó cũng suy nghĩ và hướng tới tương lai bằng con đường chân chính chứ không sa đà vào việc cờ bạc, rượu chè như trước đây nữa.