“Việc bán thịt trâu chọi một mặt thu hồi vốn cho chủ trâu, mặt khác nhiều trâu chọi sau khi thua cuộc rất khó có thể để nuôi tiếp”, một chủ trâu cho hay. Trong trường hợp phải xả thịt, thịt trâu chọi đúng là vị thuốc quý, vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng bổ tỳ vị, mạnh gân cốt, ích huyết. Đó là lý do mà thịt trâu chọi luôn tìm kiếm ở các hội chọi trâu.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt trâu hay thịt bò đều là thịt đỏ, rất nhiều dinh dưỡng, năng lượng. Trong thịt trâu chứa 74,2% nước, 21,9% protit, 3% lipit. Ngoài ra, thịt trâu còn giàu các khoáng chất như phốt pho, can xi.
Thịt trâu lại nhiều cơ, ít mỡ hơn thịt bò. Nếu trong thịt bò có 10-20% mỡ thì thịt trâu chỉ có 1,6-5,6% mỡ. Lượng sắt trong thịt trâu cũng cao hơn. Ngoài ra, hàm lượng dinh dưỡng trong thịt trâu khá cao: tỷ lệ chất đạm gấp đôi so với thịt lợn, lượng chất béo và chất đường vừa phải, nhiều muối vô cơ (canxi, phốtpho, sắt...) và các loại vitamin (B1, B2, B6, B12, PP...). Với những giá trị trên, thịt trâu chọi nếu có giá quá cao cũng là điều dễ hiểu.
Bà Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, thịt trâu, thịt bò giàu năng lượng nên thích hợp với người làm việc trí óc, người già hay trẻ nhỏ. Đặc biệt những người bị bệnh béo phì, huyết áp cao hay xơ vữa động mạch, mỡ máu cao... dùng thịt trâu sẽ thích hợp, vừa đủ năng lượng vừa không tích mỡ.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, bất cứ bộ phận nào trên con trâu, nhất là trâu chọi đều có thể làm thuốc. Ví dụ như sừng trâu có vị đắng, tính ấm, có tác dụng chỉ huyết. Keo da trâu có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng tư âm nhuận táo, chỉ huyết tiêu thũng (ứ nước trong cơ thể). Sữa trâu có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ hư tổn, ích phế vị, sinh tân nhuận tràng.