Thiếu nguồn lực, ảnh hưởng tới mục tiêu
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang về hiệu quả của Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử đánh giá đây là chương trình thiết thực và hiệu quả. Chương trình đã thực hiện phân cấp, trao quyền mạnh cho cơ sở. Đến nay có gần 100% xã làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng và trên 50% số xã làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do các xã đặc biệt khó khăn tập trung số hộ nghèo, cận nghèo cao, cần hỗ trợ lớn, nguồn vốn được cấp mới chỉ đạt hơn 64%, việc lồng ghép với các chương trình, chính sách trên địa bàn còn hạn chế nên kết quả đạt được chưa như mong muốn. “Cần bổ sung nguồn lực và đề nghị giữ nguyên Chương trình 135 theo Quyết định 551/QĐ-TTg và bổ sung thêm các nội dung cho phù hợp với thực tế” – Bộ trưởng đề nghị.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) nêu lên thực trạng là hiện nay có quá nhiều chính sách dành cho vùng dân tộc miền núi dẫn đến chồng chéo, khó lồng ghép ở địa phương, cũng như khó đánh giá được hiệu quả thực hiện. “Vậy thay đổi quan điểm về đầu tư vùng này như thế nào để mang lại hiệu quả như mong muốn?”– ông Nam đặt câu hỏi.
Theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, các chính sách dành cho đồng bào DTTS thường phải mất 3 năm để triển khai, đồng bào thụ hưởng chỉ được 1 năm. “Chúng ta phải thay đổi phương pháp xây dựng chính sách. Dành 2 – 3% ngân sách trung ương để tập trung dứt điểm từng chương trình, dự án. Các chương trình này nên có cơ quan chủ trì ở trung ương, nhưng địa phương phải chịu trách nhiệm chính, dứt điểm từng dự án một, lồng ghép, có thể giao cho chủ tịch tỉnh được quyền điều hành tổng vốn, cuốn chiếu theo từng đề án, có như thế mới nhìn thấy được kết quả. Đồng thời xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng DTTS” – Bộ trưởng Giàng Seo Phử nói.
Mới giải quyết được phần ngọn
Thực trạng về thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS, di cư tự do là vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn ông Giàng Seo Phử. Theo báo cáo, đến nay vẫn còn hơn 300.000 hộ DTTS thiếu đất, nhiều địa phương không còn quỹ đất. Tổng ngân sách trung ương hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS từ năm 2002 – 2014 khoảng hơn 9.509 tỷ đồng so với nhu cầu gần 30.000 tỷ đồng. Con số vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử đề nghị Quốc hội cần ưu tiên ngân sách để bố trí cho các chính sách đang thực hiện. Tạo quỹ đất từ việc thu hồi đất của các dự án, doanh nghiệp, nông, lâm trường kém hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích để cấp cho các hộ nghèo thiếu đất đạt kết quả thấp, chuyển đổi ngành nghề lao động.
Với việc di cư tự do, theo Bộ trưởng, mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Di dân của đồng bào DTTS theo hướng đông sang tây, thường tập trung vào vùng đất màu mỡ, còn nhiều rừng. Di cư tự do ngoại tỉnh chủ yếu đến các tỉnh Tây Nguyên. “70% những người di cư tự do vì lý do kinh tế, bao gồm di cư tìm việc làm và cải thiện điều kiện sống. Phải nhìn rõ nguyên nhân. Quy hoạch dân cư của chúng ta vẫn còn yếu, do đó tập trung nguồn lực như thế nào, trung ương chỉ đạo, địa phương phải chủ động, còn cần có sự phối hợp của các bộ, ngành. Để giải quyết tận gốc vấn đề, phải tập trung đầu tư cho họ, có thể cấp gạo để họ không còn phải lo cái ăn, hỗ trợ sinh kế. Với những hộ đã di cư cũng phải xử lý, hỗ trợ như thế nào để họ yên tâm sinh sống” – Bộ trưởng đề xuất.