“Đánh cược” với cây cam
Tân Quang là xã của “thủ phủ” vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang. Trong vài năm gần đây, xã miền núi này đạt được nhiều kết quả về phát triển kinh tế, nhưng không phải vì vải… mà nhờ cây có múi. Ông Dương Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết: “Sự chuyển đổi cây trồng từ vải sang cây có múi đã đem lại những bước ngoặt cho kinh tế của người dân trong vài năm trở lại đây”. Năm 2014, toàn xã có gần 190 ha cây có múi, đạt 1.300 tấn cả cam Canh và cam Vinh, 40.000 quả bưởi Diễn, tổng thu nhập từ cây có múi đạt trên 60 tỷ đồng trong đó có 7 hộ đạt trên 1 tỷ đồng. Số hộ đạt từ 400-500 triệu trở lên thì rất nhiều.
Những bài học từ thất bại của những vụ trước giúp anh Tiền thắng lớn ở vụ cam năm 2014. Với hơn 1 mẫu cam, nhà anh thu về gần 20 tấn cam Canh, với giá bán trung bình 70 nghìn đồng/kg, gia đình anh Tiền thu về gần 1,5 tỷ đồng.
Trong 7 hộ đạt trên 1 tỷ đồng của xã, gia đình anh Trần Văn Tiền (SN 1976), thôn Đoàn Kết, là hộ có tổng thu nhập cao nhất với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Chuyển sang trồng cam muộn hơn nhiều hộ trong làng, nhưng chính sự xuất phát muộn này khiến anh Tiền “đi tắt đón đầu” học được những kinh nghiệm của người đi trước và tránh được những thất bại.
Anh Tiền đang chăm sóc vườn cam bạc tỷ.
Anh kể: “Nhà tôi bắt đầu trồng cam vào đầu năm 2011, khi thấy trong làng có nhiều người trồng cam và có thu nhập tốt. Dù chuyển sang trồng cam khá muộn, cũng chỉ có hơn 1 mẫu vườn nhưng tôi “làm liều” với quyết định phá toàn bộ vải và hồng trong vườn để trồng”.
Anh Tiền quyết định chặt bỏ toàn bộ vải và hồng để “đánh cược” với cây cam vì thu nhập từ vải quá thấp. Với một mẫu đất trồng được 100 cây vải, nếu chăm sóc tốt sẽ thu hoạch khoảng 5-7 tấn, bán giá cao cũng chỉ thu về khoảng 50-70 triệu đồng. Còn với cây cam, nếu thuận lợi như cây vải, sẽ thu về hơn 1 tỷ đồng, gấp gần 20 lần vải.
Tính toán là vậy, nhưng anh Tiền vẫn cho rằng mình đã đi nước cờ “được ăn cả, ngã về không”, bởi cây vải dù chưa cho giá trị cao, nhưng là nguồn thu nhập ổn định, trong khi vốn ban đầu để đầu tư cho cam rất lớn. Cây giống là vấn đề lớn nhất. Để “ăn nhanh” người trồng cam thường chọn loại cây giống “bắt quả” có tuổi từ 1-2 năm. Với mức giá giao động từ 300.000-500.000 đồng/cây, mỗi sào đất cần bỏ ra khoảng 50 triệu đồng. Với hơn 1 mẫu vườn cam, anh Tiền phải bỏ vốn gần 500 triệu đồng.
Quyết “móc cua khỏi hang”
Vốn đầu tư lớn, cộng thêm sự “khó tính” của cây cam, loại cây được người trồng trọt gọi là “cây nhà giàu” khiến hầu hết những người trồng cam đều cho rằng mọi sự tính toán chỉ như “đếm cua trong hang”. Anh cho biết: “Cam tuổi thọ ngắn, dễ bị bệnh, đặc biệt là vàng lá, một khi nhiễm là không cứu được. Vì thế, có nhiều hộ trồng nhiều nhưng vẫn lỗ bởi cây chết. Đây là lí do trong các đợt tập huấn, các cán bộ nông nghiệp vẫn khuyên chúng tôi cần tính toán kĩ lưỡng, chứ không nên ồ ạt chuyển đổi cây trồng”.
Trong 4 năm trồng cam, gia đình anh Tiền cũng đã gặp phải không ít thất bại. “Năm 2013, khi vườn cam đang xanh tốt, bỗng nhiên đổ bệnh. Một màu vàng úa bao phủ và chỉ trong chưa đầy một tháng hơn 300 cây cam đang chuẩn bị đỗ quả chết rũ rượi. Mất trắng gần 200 triệu đồng, những cây còn sống cũng cho năng suất kém hẳn”, anh Tiền nhớ lại.
Tuy nhiên, những thất bại không ngăn được quyết tâm “móc cua ra khỏi hang” của chàng trai trẻ. Anh nói: “Trong nghề trồng cam, người ta ít chia sẻ kinh nghiệm, chỉ có thất bại mới đem lại bài học cho mình”. Và quả nhiên, trời không phụ lòng người, những bài học từ thất bại của những vụ trước giúp anh Tiền thắng lớn ở vụ cam năm 2014. Với hơn 1 mẫu cam, nhà anh thu về gần 20 tấn cam Canh, với giá bán trung bình 70 nghìn đồng/kg, gia đình anh Tiền thu về gần 1,5 tỷ đồng.