Nhận định trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Mô hình trường đại học trọng điểm khu vực NCL, không sử dụng ngân sách nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực và quốc tế” được tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua (14.3).
Tạo sự bình đẳng toàn diện giữa công lập và ngoài công lập
Theo thống kê của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ thì: Các cơ sở giáo dục ĐH NCL không chỉ tạo cơ hội cho hàng trăm nghìn người được tiếp nhận học vấn ĐH, bảo đảm việc làm cho hàng nghìn giảng viên, mà còn huy động được nguồn lực tài chính khá lớn cho giáo dục ĐH. Cụ thể, theo ước tính từ năm 2000 đến nay, các trường ĐH-CĐ NCL đã gánh cho ngân sách nhà nước trên 30 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống NCL cũng đang bộc lộ nhiều yếu kém, một phần là do những bất cập trong chính sách; dẫn đến sự phân hóa trong khu vực NCL.
Theo TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM), thì: Một số trường NCL hiện đang nhắm vào phân khúc thấp, đào tạo kém chất lượng do tầm nhìn ngắn hạn. Một số trường lại rơi vào tranh chấp nội bộ khiến không thể tập trung nguồn lực khiến chất lượng, uy tín bị giảm sút nghiêm trọng. Chỉ những trường có nguồn gốc sở hữu rõ ràng, không bị tranh chấp nội bộ, có nguồn lực mạnh và có tầm nhìn dài hạn, sẽ là những trường có khả năng đem lại nguồn sinh khí mới cho cả hệ thống. Những trường này có một vai trò đặc biệt quan trọng và cần được xem là những trường ĐH trọng điểm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay khái niệm “trường ĐH trọng điểm” chủ yếu dành cho các trường công lập còn hệ thống NCL thì khá mới lạ. Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, nhận định: Trong danh sách các trường được đầu tư xây dựng trọng điểm, không thấy có trường NCL nào. Hình như có sự ưu tiên nào đó của chiếc bánh ngân sách cho các trường công lập. “Không nên có tư duy phân biệt như thế, chỉ ưu tiên cho trường công lập, mà cần có cơ chế thí điểm để các trường đại học ngoài công lập cũng là đại học trọng điểm”, ông Tiến nói.
Đồng quan điểm, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm cũng cho rằng, không nên phân biệt đại học trọng điểm giữa trường công lập và dân lập để có sự đầu tư tương xứng, tạo điều kiện cho trường đại học ngoài công lập phát triển.
TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: Cần tạo sự bình đẳng toàn diện giữa công lập và ngoài công lập kể cả điều kiện tài chính. Ví dụ như học phí, Nhà nước có thể cấp chi tiêu thường xuyên cho khu vực đại học tập trung vào việc cấp học bổng. Đối tượng được cấp học bổng học ở trường nào thì tiền phải về trường đó, như vậy mới gọi là bình đẳng trong ngân sách chi tiêu thường xuyên. Ví dụ các trường công lập trước đây đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, vậy làm sao bình đẳng? Các trường này phải trích khấu hao để nộp lại cho Quỹ phát triển giáo dục. Giống như các trường ngoài công lập phải khấu hao để thu hồi lại vốn cố định để đầu tư. Như vậy sẽ tạo ra sự bình đẳng về tài chính.
Làm thế nào để trở thành “đại học trọng điểm”?
Thực tế hiện nay, dù đã có danh sách các trường ĐH trọng điểm nhưng thế nào là đại học trọng điểm, điều kiện nào để được công nhận đại học trọng điểm, và những ưu đãi dành cho trường đại học trọng điểm, chưa thấy văn bản nào đề cập. TS. Phạm Thị Ly, cho rằng: Cả nước hiện có 18 trường đại học trọng điểm quốc gia, trong đó có hai đại học quốc gia, 5 đại học vùng và 11 trường đại học khác. Tuy nhiên, ngoài hai ĐH Quốc gia và ĐH vùng được xem là những cơ sở được chính phủ ưu tiên giao quyền tự chủ (được tự in và cấp bằng tiến sỹ; được toàn quyền cử cán bộ đi học nước ngoài, được đề xuất mở những ngành đào tạo chưa có trong danh mục đào tạo; được quyết ngân sách đầu tư thiết bị và xây dựng cơ bản mà không phải thông qua Bộ GD-ĐT, ...), những trường ĐH trọng điểm khác không có sự ưu tiên hay khác biệt gì về cơ chế quản lý so với những trường không phải là trọng điểm.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đặt vấn đề: Hiện khái niệm về trường đại học trọng điểm vẫn còn băn nhưng cần phải có sự bình đẳng về đầu tư ngân sách, xây dựng hạ tầng và học bổng giữa trường công lập và dân lập. “Muốn phát triển cả 2 cánh đại bàng của nền giáo dục thì phải phát triển song song cả 2 lĩnh vực công và tư. Tuy nhiên nói gì thì nói, đã là đại học trọng điểm được đầu tư thì phải đưa chất lượng đào tạo, nghiên cứu, tạo việc làm cho sinh viên lên hàng đầu”, ông Hoàng lưu ý.
Ở một khía cạnh khác, để các trường NCL phát triển thành ĐH trọng điểm, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm cũng đề xuất nhiều phương án. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành, một trong những trường ĐH tư thục đầu tiên xây dựng đề án thành trường ĐH trọng điểm cho rằng: “Điều kiện quan trọng để xây dựng mô hình ĐH tư thục trọng điểm, đó là đảm bảo nguồn lực tài chính”.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Thị Ly lại đặt vấn đề: Đại học trọng điểm công lập được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách công. Ngược lại mô hình trọng điểm ngoài công lập huy động nguồn lực từ nguồn xã hội hóa và hướng tới mục tiêu đòi hỏi của thị trường. Theo đó cần có cơ chế để đảm bảo sự công bằng trong việc hỗ trợ nguồn tài chính để tạo sự bình đẳng. Để làm được điều đó, các trường phải cam kết nguồn lực tài chính và cơ chế quản trị nội bộ lành mạnh.